Tiêu chí lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp chất lượng cho nhà đầu tư mới
Nắm được các tiêu chí lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định một cách dễ dàng và chính xác hơn, nhằm đạt được hiệu quả tốt hơn với mức rủi ro thấp nhất có thể.
Trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư một phần là bởi lợi suất ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến động thị trường hay hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Do vậy, việc đánh giá tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khi đầu tư trái phiếu không quan trọng bằng việc đánh giá khả năng chi trả. Hoặc nói cách khác là đánh giá xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và chưa hoàn thiện. Nên nhà đầu tư cần căn cứ theo nhiều tiêu chí khác để phân tích, nhận định chất lượng trái phiếu doanh nghiệp tốt hay không. Trong đó, có một số tiêu chí quan trọng như tính minh bạch về tài chính, uy tín của ban lãnh đạo, vị thế của doanh nghiệp trong ngành…
1. Tiêu chí lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp theo tính minh bạch
Tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành là tiêu chí đầu tiên mà nhà đầu tư cần quan tâm khi lựa chọn trái phiếu. Về bản chất, phát hành trái phiếu là hình thức doanh nghiệp đi vay tiền của nhà đầu tư. Và bạn không thể cho một đối tượng mà bạn không biết gì hoặc biết một cách mơ hồ vay tiền được.
Việc minh bạch thông tin theo quy định pháp luật, đặc biệt thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp là cần thiết để nhà đầu tư đánh giá uy tín, khả năng chi trả của bên phát hành.
2. Vị trí của doanh nghiệp trong ngành hoạt động
Lợi suất mà trái chủ thu được là khoản tiền trích ra từ lợi nhuận của bên phát hành. Phần lớn nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư cá nhân) sẽ không đủ công cụ cũng như năng lực để đánh giá tiềm năng tăng trưởng, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp.
Do đó, cách an toàn nhất chính là xem xét vị thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực đang hoạt động. Theo các chuyên gia thì trái phiếu của các công ty đầu ngành sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn cả cho nhà đầu tư.
3. Triển vọng phát triển của ngành nghề
Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có dòng tiền ổn định, không chịu nhiều ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, hoặc ngành nghề xu hướng, có triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai… thì trái phiếu sẽ ít rủi ro hơn.
4. Uy tín của ban lãnh đạo doanh nghiệp
Uy tín và khả năng thực thi của ban lãnh đạo là mấu chốt quyết định thành bại của một doanh nghiệp. Trái phiếu của những doanh nghiệp mà ban lãnh đạo và đội ngũ cổ đông uy tín, có danh tiếng tốt trên thương trường sẽ được đánh giá cao hơn trái phiếu của những doanh nghiệp “vô danh”.
5. Tình hình tài chính của doanh nghiệp
Báo cáo tài chính là phương tiện đánh giá khách quan nhất tình hình của một doanh nghiệp. Trước khi quyết định mua trái phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu các chỉ số tài chính quan trọng như vốn chủ sở hữu, doanh thu và lợi nhuận, tỷ lệ nợ/Vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ/EBITDA, kế hoạch trả nợ dự kiến… của doanh nghiệp phát hành.
Những chỉ số này sẽ phần nào cho chúng ta cái nhìn khái quát về khả năng chi trả của doanh nghiệp cho người sở hữu trái phiếu.
Trên đây là một số thông tin về tiêu chí lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp chất lượng mà nhà đầu tư mới có thể tham khảo nhằm đưa ra quyết định chính xác nhất. Chúc các bạn thành công./.