Đầu tư trái phiếu có rủi ro không?

Trái phiếu luôn được nhắc tới như một trong những kênh đầu tư an toàn bậc nhất trên thị trường tài chính – chứng khoán. Vậy đầu tư trái phiếu có rủi ro không và mức độ rủi ro như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết qua nội dung dưới đây nhé.

dau-tu-trai-phieu-co-rui-ro-khong

Tổng quan về trái phiếu

Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, do các tổ chức, doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn để phục vụ cho các chương trình, dự án cụ thể hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, trái phiếu dần khẳng định được tầm quan trọng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán và được đánh giá là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.

Khác với cổ phiếu, trái phiếu có thể được phát hành bởi nhiều chủ thể khác nhau như Chính phủ, chính quyền địa phương, ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (bao gồm cả công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn).

Đầu tư trái phiếu có rủi ro không?

Về bản chất, trái phiếu là một khoản vay nợ. Bên phát hành là bên đi vay và người mua trái phiếu chính là chủ nợ. Quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu chính là hưởng một khoản lãi suất định kỳ và nhận lại toàn bộ vốn gốc khi đáo hạo. Lãi suất của trái phiếu thường cố định và không phụ thuộc vào lỗ lãi của chủ thể phát hành.

Chính vì lẽ đó mà trái phiếu được đánh giá rất cao về độ an toàn, so với các sản phẩm tài chính phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường cũng như hiệu quả hoạt động của bên phát hành mà điển hình là cổ phiếu. Tuy nhiên, sự an toàn của trái phiếu không phải là tuyệt đối. Nhà đầu tư vẫn sẽ phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro nhất định, điển hình như:

– Rủi ro lạm phát: Hiểu đơn giản là sự mất giá của đồng tiền sẽ khiến lợi suất của nhà đầu tư bị ảnh hưởng một cách gián tiếp. Trái phiếu kỳ hạn càng dài thì rủi ro lạm phát càng cao.

– Rủi ro lãi suất: Lãi suất thị trường tăng thì giá trái phiếu thường giảm và ngược lại. Khi lãi suất tăng lên, nghĩa là nhà đầu tư sẽ mất chi phí cơ hội để được đầu tư ở mức lãi suất tốt hơn.

– Rủi ro thanh khoản: Là nguy cơ nhà đầu tư không thể bán được trái phiếu (hoặc phải bán với mức giá không như kỳ vọng) khi có nhu cầu cần sử dụng tiền mặt đột xuất, hoặc khi nhận thấy nguy cơ vỡ nợ của chủ thể phát hành.

– Rủi ro vỡ nợ (rủi ro tín dụng): Là tình huống bên phát hành bị vỡ nợ, mất khả năng chi trả toàn bộ hoặc một phần cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đây là nỗi lo lớn nhất đối với nhà đầu tư và thường chỉ xảy ra ở trái phiếu doanh nghiệp.

Có thể nói, mức độ rủi ro sẽ phụ thuộc chính vào chủ thể phát hành. Nếu trái phiếu được phát hành bởi tổ chức, doanh nghiệp uy tín thì các nguy cơ sẽ thấp hơn. Theo đó, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu ngân hàng sẽ là sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ có độ rủi ro cao hơn.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin, đánh giá uy tín của bên phát hành và cân đối với các tiêu chí khác (như khả năng tài chính, lợi nhuận kỳ vọng, khẩu vị rủi ro…) để đưa ra quyết định mua trái phiếu nào phù hợp. 

Ngoài ra, với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia của công ty môi giới chứng khoán chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể nhé./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.