Thận trọng với trái phiếu lãi suất cao
Trái phiếu lãi suất cao thu hút nhà đầu tư bởi lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, ẩn sau đó có thể là những cái bẫy, khiến nhà đầu tư phải nếm trái đắng nếu thiếu thận trọng.
Thế nào là trái phiếu lãi suất cao?
Trái phiếu là một trong những kênh đầu tư tài chính phổ biến nhất và thu hút lượng tiền lớn nhất hiện nay. Thị trường trái phiếu Việt Nam trong 2 năm trở lại đây đang có sự tăng trưởng vượt trội và hết sức sôi động.
Nhà đầu tư mua trái phiếu, thực chất chính là đang cho tổ chức phát hành vay một khoản tiền nhất định. Quyền lợi được hưởng chính là tiền lãi mà tổ chức phát hành có nghĩa vụ thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư. Đồng thời, toàn bộ tiền vốn sẽ được tất toán vào ngày đáo hạn.
Hiện nay, chưa có bảng lãi suất chuẩn cho tất cả trái phiếu, mà hoàn toàn do bên phát hành quyết định. Lãi suất trái phiếu được cho là một tiêu chí cơ bản, phản ánh phần nào mức độ rủi ro của trái phiếu đó.
Hiểu đơn giản thì những tổ chức càng uy tín, tiềm lực tài chính càng mạnh, thì trái phiếu của họ càng an toàn. Vì thế mà mức lãi suất đưa ra cũng thường khá thấp so với mặt bằng chung. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ, tài chính yếu, không có sự bảo đảm bằng tài sản hay bên thứ 3, không chứng minh được khả năng chi trả một cách mạnh mẽ, thường sẽ đưa ra mức lãi suất cao nhằm thu hút những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm kiếm mức lợi nhuận lớn.
Thông thường, lãi suất trái phiếu không chênh lệch quá nhiều so với tiền gửi tiết kiệm. Trung bình trái phiếu doanh nghiệp (không tính khối ngân hàng) sẽ dao động ở khoảng 8-11%/năm. Đây được cho là mức tương đối an toàn mà vẫn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Cá biệt, một số doanh nghiệp cam kết lãi suất lên tới 15 – 16%, thậm chí cao hơn, thì mức độ rủi ro sẽ rất lớn và nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác.
Rủi ro của trái phiếu lãi suất cao mà nhà đầu tư cần lưu ý
Như đã nói ở trên, mức độ rủi ro của trái phiếu sẽ tương ứng, tỉ lệ thuận với mức lãi suất cam kết. Chẳng hạn như lãi suất trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương hay trái phiếu ngân hàng… thường không cao, nhưng vẫn thu hút nhà đầu tư và không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Nguyên nhân là bởi uy tín của chủ thể phát hành, khả năng chi trả cũng như tính thanh khoản của các trái phiếu này gần như được đảm bảo tuyệt đối.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ có sự phân hóa về lãi suất và rủi ro. Các công ty, tập đoàn lớn, đầu ngành, có lịch sử lâu đời và tiềm lực tài chính mạnh mẽ thì lãi suất cũng thường ở mức trung bình. Nhưng những doanh nghiệp mới thành lập, các công ty vừa và nhỏ… sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư nếu cũng đưa ra lãi suất tương đương với các doanh nghiệp lớn. Bởi mọi nhà đầu tư đều sẽ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận với mức rủi ro tối thiểu. Vì vậy, buộc những doanh nghiệp này sẽ phải phát hành trái phiếu lãi suất cao vượt trội để kích thích “lòng tham” của nhà đầu tư.
Khi lựa chọn trái phiếu lãi suất cao, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những rủi ro thường gặp phải như:
– Rủi ro lãi suất: Lãi suất thị trường trái phiếu có thể biến động tăng so với lãi suất tại thời điểm đầu tư khiến giá trị đầu tư của khách hàng suy giảm nếu bán.
– Rủi ro thanh khoản: Không nhiều nhà đầu tư chấp nhận mạo hiểm, nhất là trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như hiện nay. Tính thanh khoản của trái phiếu có mức độ rủi ro cao là một vấn đề mà nhà đầu tư cần cân nhắc. Hiểu đơn giản thì khi bạn muốn bán trái phiếu để thu hồi vốn sẽ có thể gặp khó khăn hoặc thậm chí là không thể bán được vì không có ai đồng ý mua lại.
– Rủi ro vỡ nợ: Tổ chức phát hành không có tài sản thế chấp, không ký quỹ, không có bên thứ 3 đứng ra bảo lãnh và chưa có vị thế nhất định trên thương trường… thì mới chấp nhận trả lãi cao để vay được vốn. Vì thế mà nguy cơ doanh nghiệp phát hành phá sản, mất khả năng chi trả là rất lớn. Số trái phiếu bạn nắm trong tay hoàn toàn có thể trở thành giấy lộn.
Nhìn chung thì trái phiếu cũng như mọi kênh đầu tư khác, rủi ro và cơ hội luôn song hành với nhau. Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao có thể mang lại cho bạn một khoản lợi nhuận lớn, nhưng đồng thời cũng có thể xảy ra tình huống lợi nhuận không được như cam kết, thậm chí mất trắng. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ và cân nhắc khẩu vị rủi ro của mình trường khi ra quyết định đầu tư nhé./.