Có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao?
Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh những lời cam kết lợi nhuận khủng, thì cũng có không ít ý kiến cảnh báo về nguy cơ rủi ro lớn đằng sau mức lãi suất hấp dẫn đó. Vậy có nên đầu tư trái phiếu lãi suất cao hay không? Cùng tìm đáp án qua nội dung chi tiết dưới đây nhé.
Hiểu đúng về lãi suất trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhất hiện nay. Đặc biệt là một lượng không nhỏ nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào thị trường này trong thời gian qua, coi đây như một giải pháp bù đắp khoản thu nhập chính bị thâm hụt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu giúp nhanh chóng huy động nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, bao gồm cả ngân hàng thương mại, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần đưa ra mức lãi suất và kỳ hạn cụ thể. Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu sẽ được thanh toán khoản lãi theo kỳ hạn và nhận lại toàn bộ tiền gốc khi đến kỳ đáo hạn. Chẳng hạn như doanh nghiệp A phát hành trái phiếu lãi suất 6,5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trả lãi định kỳ 6 tháng 1 lần, thì nghĩa là trái chủ sẽ được nhận tiền lãi sau mỗi 6 tháng; sau 3 năm sẽ được nhận lại khoản vốn ban đầu.
Lãi suất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua trái phiếu của nhà đầu tư. Bởi đó chính là thu nhập mà nhà đầu tư có được từ khoản tiền nhàn rỗi. Vì vậy, thị trường trái phiếu đang chứng kiến một cuộc đua lãi suất hết sức khốc liệt của các doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư thì như rơi vào ma trận, vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn trái phiếu nào để xuống tiền.
Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao hay không?
Mức lãi suất của trái phiếu hiện chưa có quy định rõ ràng mà phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp phát hành. Do đó, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất cao đến rất cao nhằm thu hút nhà đầu tư, huy động vốn nhanh.
Trong đó, mức lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản đang dẫn đầu thị trường, trung bình khoảng 9,5-12%/năm. Cá biệt có nhiều trái phiếu mà bên phát hành cam kết lãi suất lên tới 15-20%/năm.
Thực tế, các doanh nghiệp đưa ra lãi suất cao như vậy đa số là không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu. Đồng thời, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, chưa có chỉ số tài chính cụ thể hoặc chỉ số không tốt… Đây là một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Thông thường, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và lãi suất của trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, cần đảm bảo ở mức mà nhà đầu tư có thể chi trả được sau khi cân đối doanh thu, lợi nhuận. Nếu mức lãi suất vượt quá mức lợi nhuận doanh nghiệp có thể thu được từ việc kinh doanh thì doanh nghiệp đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, vỡ nợ. Từ đó dẫn tới nhà đầu tư không thể thu hồi vốn từ trái phiếu đang sở hữu. Do đó, những trái phiếu có lãi suất từ 10% trở lên được coi là lãi suất cao và cần hết sức thận trọng.
Nói tóm lại, trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao có thể mang lại cho bạn một khoản lợi nhuận lớn, nhưng nếu lựa chọn sai lầm, bạn hoàn toàn có thể bị “mất trắng”. Chính vì lẽ đó, bạn cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành, bao gồm uy tín của ban quản trị, báo cáo tài chính của công ty, đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và của lĩnh vực mà doanh nghiệp đó đang hoạt động rồi so sánh với khả năng chịu đựng rủi ro của mình trước khi đưa ra quyết định./.