Trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo

Trái phiếu hiện vẫn đang và sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn dành cho cả các nhà đầu tư chuyên lẫn không chuyên. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo được đánh giá là sự lựa chọn nên được ưu tiên, nếu muốn đảm bảo cân bằng lợi nhuận với độ an toàn cho nguồn vốn của bạn.

trai-phieu-doanh-nghiep-co-tai-san-dam-bao1

Trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo là gì?

Trái phiếu đảm bảo – Covered Bond là loại trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành có tài sản để thế chấp cho bên thứ ba (thường là ngân hàng, tổ chức tín dụng) nhằm bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư.

Hiểu đơn giản thì doanh nghiệp sẽ tiến hành định giá tài sản của mình (như bất động sản, cổ phiếu, sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra…) thành khoản tiền tương ứng, dùng nó để đảm bảo cho lượng trái phiếu được phát hành. Trường hợp đến kỳ hạn mà doanh nghiệp không thể chi trả lãi suất, hoàn vốn cho trái chủ như cam kết thì số tài sản đó sẽ bị thu hồi, bán đi và lấy tiền trả cho trái chủ. Hình thức này cũng tương tự như việc bạn cầm sổ đỏ đi thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Những tài sản thường được dùng để đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp

Có nhiều loại tài sản khác nhau được doanh nghiệp sử dụng để đảm bảo cho trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành. Trong đó, phổ biến nhất gồm có:

– Cổ phiếu:

Với các công ty cổ phần có niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu cũng có thể được sử dụng để làm tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hình thức đảm bảo này được đánh giá là tương đối rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi doanh nghiệp chỉ mất khả năng thanh toán trái phiếu khi làm ăn không thuận lợi, mà khi đó thì giá trị cổ phiếu cũng sẽ bị giảm, thậm chí không còn giá trị nếu doanh nghiệp phá sản.

– Sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất:

Một số doanh nghiệp sử dụng chính sản phẩm mà mình sản xuất ra để làm tài sản đảm bảo. Nghĩa là nếu đến kỳ hạn mà doanh nghiệp không thể chi trả cho trái chủ, thì trái chủ có quyền lấy đi một số lượng sản phẩm tương ứng, theo giá trị quy đổi mà hai bên đã thỏa thuận trước.

Hình thức đảm bảo này chỉ phù hợp khi trái chủ là một quỹ đầu tư chuyên nghiệp, có sẵn hệ thống để xử lý lượng hàng hóa thu về. Bạn có thể tham khảo qua một vài deal của Shark Nguyễn Xuân Phú trên chương trình Shark Tank Việt Nam để hiểu hơn về dạng tài sản đảm bảo này.

– Bất động sản:

Bao gồm đất đai và các tài sản gắn liền với đất đai thuộc về doanh nghiệp, nằm trong vốn chủ. Đây là loại tài sản được đánh giá cao nhất, bởi nó hữu hình và có thể định giá theo thị trường một cách đơn giản hơn so với các tài sản vô hình khác. 

trai-phieu-doanh-nghiep-co-tai-san-dam-bao

Doanh nghiệp có thể chỉ dùng một hoặc kết hợp nhiều loại tài sản khác nhau để đảm bảo cho lượng trái phiếu phát hành. Ngoài ra, còn có hình thức đảm bảo bằng tài sản của bên thứ ba. Theo đó, các tổ chức tài chính, tín dụng có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán sẽ có nhiệm vụ bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Nhà đầu tư cần cân nhắc thật kỹ để lựa chọn loại trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản phù hợp với tiêu chí của bản thân.

Đánh giá tiềm năng của trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo

1. Về ưu điểm của trái phiếu đảm bảo

– Do có tài sản đảm bảo, được bảo lãnh thanh toán, nên rủi ro vỡ nợ của loại trái phiếu này sẽ thấp hơn.

– Lãi suất vẫn khá hấp dẫn, nếu so với một số kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ.

– Tính thanh khoản cao. Nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc rút vốn trước kỳ hạn khi có nhu cầu sử dụng tiền cấp bách.

– Có thể dễ dàng mua bán, chuyển nhượng thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá thay vì nhận lãi suất định kỳ, nếu có nhu cầu.

2. Về nhược điểm

– Lãi suất của trái phiếu đảm bảo thường thấp hơn trái phiếu không có đảm bảo.

– Việc định giá tài sản của doanh nghiệp có thể không chính xác và nhà đầu tư thì hầu hết đều không đủ khả năng để thẩm định lại vấn đề này.

– Rủi ro lạm phát, rủi ro lãi suất vẫn hiện hữu, tương tự như với mọi loại trái phiếu khác.

Nói tóm lại, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo cũng giống như mọi loại sản phẩm tài chính, đều có cơ hội và nguy cơ luôn song hành. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng, đối chiếu với mục tiêu lợi nhuận, nguồn vốn, khẩu vị rủi ro… của bản thân để đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Điều quan trọng nhất vẫn là chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp uy tín, được đảm bảo bởi bên thứ ba uy tín thì sự đảm bảo đó mới có giá trị./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.