Trái phiếu đảm bảo có thật sự an toàn?
Trái phiếu đảm bảo là một trong những sản phẩm đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất hiện nay. Nhiều nhà đầu tư tin rằng, loại trái phiếu này sẽ đảm bảo tuyệt đối khả năng chi trả, giúp triệt tiêu nguy cơ rủi ro thanh khoản. Vậy trái phiếu đảm bảo là gì và có thật sự an toàn không? Câu trả lời sẽ có ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Trái phiếu đảm bảo là gì?
Trái phiếu đảm bảo (covered bond) là loại chứng khoán nợ được phát hành bởi tổ chức, doanh nghiệp, có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh bởi bên thứ 3 có chức năng bảo lãnh thanh toán.
Như vậy, trong trường hợp bên phát hành làm ăn thua lỗ hay vì lý do nào đó phải giải thể, ngừng hoạt động, mất khả năng chi trả, thì khi đáo hạn, trái chủ sẽ được thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản đảm bảo (hoặc do bên bảo lãnh chịu trách nhiệm thanh toán).
Trái phiếu đảm bảo có thật sự an toàn không?
Muốn đánh giá độ an toàn của trái phiếu có tài sản bảo đảm, trước hết, bạn cần hiểu rõ về loại trái phiếu này, bao gồm đặc trưng tiêu biểu, các loại tài sản được dùng làm tài sản đảm bảo và hình thức chi trả….
1. Đặc trưng của trái phiếu đảm bảo
– Trái phiếu được đảm bảo bằng những nhóm tài sản riêng biệt, có thể là tài sản của doanh nghiệp phát hành, hoặc của bên thứ 3 có dịch vụ bảo lãnh thanh toán.
– Trong trường hợp tổ chức tài chính mất khả năng chi trả thì trái phiếu đó cũng đã được đảm bảo.
2. Những tài sản được dùng để đảm bảo cho trái phiếu
Khi phát hành, trái phiếu có thể được bảo đảm bằng nhiều nhóm tài sản khác nhau. Trong đó, có một số loại tài sản thường dùng như:
– Cổ phiếu.
– Bất động sản.
– Một phần cổ phiếu và một phần tài sản/bất động sản.
Theo đánh giá của SSI Research thì hiện nay, tỷ lệ tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp như sau:
– Đảm bảo bằng bất động sản chiếm 18,6%.
– Đảm bảo bằng cổ phiếu chiếm 9,3%.
– Đảm bảo bằng một phần cổ phiếu và một phần tài sản/bất động sản chiếm 33%.
– Đảm bảo bằng tài sản chiếm 11%.
3. Đánh giá độ an toàn của trái phiếu có tài sản đảm bảo

Về bản chất, trái phiếu có đảm bảo chính là những khoản đầu tư phái sinh, tương tự như chứng khoán thế chấp tài sản và chứng khoán cầm cố tài sản. Với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức tài chính thì nghĩa là tổ chức tài chính sẽ mua lại các khoản đầu tư tạo ra tiền mặt rồi gộp lại với nhau và phát hành trái phiếu được đảm bảo từ dòng tiền mặt của các khoản đầu tư này. Mục đích của việc phát hành loại trái phiếu này là để các tổ chức tài chính có thể cải thiện chất lượng tín dụng, giảm chi phí đi vay và tài trợ cho các khoản nợ cộng đồng thông qua giao dịch mua, bán tài sản.
Như vậy, có thể thấy rằng trái phiếu đảm bảo có độ an toàn cao. Bởi dù bên phát hành có bị phá sản, vỡ nợ thì các trái chủ vẫn được thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền gốc đã đầu tư cùng khoản lãi theo cam kết khi đáo hạn.
Tuy nhiên, độ an toàn cao không có nghĩa là tuyệt đối không có rủi ro. Theo cảnh báo của các chuyên gia, dù có tài sản đảm bảo thì loại trái phiếu này vẫn tiềm ẩn nguy cơ không thể chủ quan. Nguyên nhân là bởi thị trường còn sơ khai, thủ tục pháp lý về vấn đề này còn chưa chặt chẽ, dẫn tới việc thẩm định và xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, trường hợp dùng cổ phiếu của nhà phát hành làm tài sản đảm bảo, khi nhà phát hành mất khả năng trả nợ, về lý thuyết thì nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu đó để thu hồi vốn. Nhưng thực tế, khi tổ chức phát hành đã mất khả năng trả nợ, tức là tình hình tài chính, hoạt động của tổ chức đó đang gặp vấn đề, lúc này, giá cổ phiếu đương nhiên sẽ giảm sâu, khó giao dịch, thậm chí không còn giá trị.
Nói tóm lại, ở góc độ nào nhất định, trái phiếu có tài sản đảm bảo có thể coi là sự lựa chọn an toàn hơn so với trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Song mỗi loại đều có cơ hội, rủi ro riêng, không có sự an toàn tuyệt đối. Muốn thành công, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin và có sự hỗ trợ của những chuyên gia giàu kinh nghiệm, của một công ty chứng khoán uy tín./.