Trái phiếu cấp đầu tư và những vấn đề cần lưu ý
Hệ thống xếp hạng của Standard & Poor’s (S&P) chia trái phiếu thành hai nhóm, gồm trái phiếu cấp đầu tư và trái phiếu rác. Vậy trái phiếu cấp đầu tư là gì và nó có phải là sự lựa chọn tối ưu hay không? Cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây nhé.
Khái quát về trái phiếu cấp đầu tư
Trái phiếu là một trong những kênh đầu tư phổ biến và thu hút nhất hiện nay. Nó vừa là công cụ huy động vốn nhanh chóng, hiệu quả cho tổ chức phát hành, vừa là giải pháp tăng thu nhập hiệu quả cho nhà đầu tư.
Tất nhiên, bên cạnh cơ hội sinh lời hấp dẫn, thì nhà đầu tư cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro khi rót vốn vào thị trường trái phiếu. Trong đó, rủi ro tín dụng (xảy ra khi doanh nghiệp phát hành vỡ nợ, không đủ khả năng chi trả) là mối lo lớn nhất đối với mọi nhà đầu tư.
Căn cứ theo nguy cơ vỡ nợ của bên phát hành mà người ta phân chia trái phiếu thành hai nhóm cơ bản. Gồm trái phiếu cấp độ đầu tư và trái phiếu dưới cấp độ đầu tư, hay còn gọi là trái phiếu rác.
Hiểu đơn giản thì trái phiếu cấp đầu tư là những trái phiếu mà tổ chức phát hành được đánh giá tốt về khả năng chi trả cho nhà đầu tư. Tức là nguy cơ vỡ nợ từ thấp đến mức có thể chấp nhận được. Mặt khác, trái phiếu rác là nhóm trái phiếu mà bên phát hành không thể cam kết khả năng chi trả, nhưng bù lại thì mức lãi suất thường rất cao để thu hút nhà đầu tư.
Một số vấn đề quan trọng cần lưu ý khi đầu tư trái phiếu cấp đầu tư
1. Xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành trái phiếu
Người ta xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành theo các cấp độ sau:
– Cấp độ AAA: Tương ứng với khả năng đáp ứng các cam kết tài chính cực kỳ mạnh mẽ.
– Cấp độ AA: Tương ứng với khả năng đáp ứng các cam kết tài chính rất mạnh.
– Cấp độ A: Tương ứng với năng lực mạnh để đáp ứng các cam kết tài chính, nhưng hơi dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế bất lợi và những thay đổi của hoàn cảnh.
– Cấp độ BBB: Đủ năng lực để đáp ứng các cam kết tài chính, nhưng chịu nhiều điều kiện kinh tế bất lợi hơn.
– Cấp độ BB: Ít bị tổn thương hơn trong ngắn hạn, nhưng đối mặt với những bất ổn lớn đang diễn ra đối với các điều kiện kinh doanh, tài chính và kinh tế bất lợi.
– Cấp độ B: Dễ bị tổn thương hơn trước các điều kiện kinh doanh, tài chính và kinh tế bất lợi nhưng có khả năng đáp ứng các cam kết tài chính ở hiện tại.
– Cấp độ CCC: Hiện đang trong trạng thái dễ bị tổn thương, các cam kết tài chính chỉ được đáp ứng khi điều kiện kinh doanh, tài chính và kinh tế thuận lợi.
– Cấp độ CC: Hiện đang rất dễ bị tổn thương.
– Cấp độ C: Các nghĩa vụ hiện tại rất dễ bị tổn thương và các trường hợp xác định khác.
– Cấp độ D: Hiện không có khả năng trả nợ (vỡ nợ với các khoản phải trả).
Trái phiếu của các tổ chức phát hành có xếp hạng tín dụng cấp độ từ AAA đến BBB được cho là trái phiếu cấp đầu tư.
2. Xếp hạng tín dụng chỉ mang tính tham khảo, không an toàn tuyệt đối
Trái phiếu cấp độ đầu tư được coi là an toàn hơn nhờ vào việc xếp hạng tín dụng cao của tổ chức phát hành. Nghĩa là nguồn lực đã được đánh giá, kiểm chứng, cho thấy đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả lãi và hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi mua trái phiếu cấp đầu tư sẽ hoàn toàn không có rủi ro vỡ nợ. Ngay cả những tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và chỉ số tăng trưởng ổn định cũng có thể rơi vào tình trạng khó khăn nếu thị trường có biến động lớn.
Hơn nữa, việc thẩm định năng lực của các doanh nghiệp là tương đối khó khăn, không phải lúc nào cũng chuẩn xác tuyệt đối. Bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ lưỡng, tham khảo nhiều tiêu chí khác để đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất cho bản thân.
Nếu gặp khó khăn trong việc quyết định chọn đầu tư trái phiếu nào, bạn có thể liên hệ với các công ty môi giới chứng khoán uy tín để được các chuyên gia giàu kinh nghiệm hỗ trợ. Đặc biệt là được đảm bảo bởi chính sách mua lại của công ty chứng khoán.
Chúc các bạn may mắn và thành công./.