Tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp

Tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp là bước quan trọng đầu tiên mà bạn cần làm trước khi đầu tư trái phiếu. Bởi phải hiểu về sản phẩm thì mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư, hạn chế rủi ro không mong muốn.

Tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp với những thông tin cơ bản nhất

1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

co-nen-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-qua-ngan-hang

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp là trái theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP, là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (tùy loại hình trái phiếu) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

2. Đặc trưng của trái phiếu doanh nghiệp

– Về tổ chức phát hành: Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính Phủ thì công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có thể phát hành trái phiếu.

– Về đối tượng được mua trái phiếu: Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân Việt Nam hay cá nhân nước ngoài đều được phép đầu tư trái phiếu và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

– Về kỳ hạn và khối lượng trái phiếu: Căn cứ vào tình hình thị trường cũng như nhu cầu sử dụng vốn mà doanh nghiệp phát hành tự quyết định kỳ hạn, khối lượng phát hành cho từng đợt trái phiếu.

– Về mệnh giá trái phiếu: Trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế tuân theo quy định tại thị trường phát hành. Trái phiếu trong nước có mệnh giá 100.000đ hoặc bội số của 100.000đ.

– Về hình thức của trái phiếu: Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu (chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.

– Về lãi suất của trái phiếu: Tùy trái phiếu mà lãi suất có thể cố định cho cả kỳ hạn, hoặc có thể thả nổi theo thực tế thị trường, hoặc kết hợp giữa cố định và thả nổi. Lãi suất được thông báo cụ thể ngay khi phát hành trái phiếu và phải tuân thủ quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP và quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Về phương thức thanh toán: Do doanh nghiệp phát hành quyết định và được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.

3. Các loại hình trái phiếu doanh nghiệp

tim-hieu-ve-trai-phieu-doanh-nghiep2

Có khá nhiều cách phân loại trái phiếu doanh nghiệp theo các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có một số loại hình trái phiếu phổ biến như:

– Trái phiếu không chuyển đổi: Là trái phiếu không thể chuyển đổi thành cổ phần.

– Trái phiếu chuyển đổi: Là trái phiếu mà nhà đầu tư có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) chuyển đổi thành cổ phần.

– Trái phiếu niêm yết: Là các trái phiếu được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung (HSX hoặc HNX). Các giao dịch trái phiếu sẽ tuân theo quy định của Sở GDCK niêm yết.

– Trái phiếu chưa niêm yết: Là trái phiếu do doanh nghiệp tự phát hành không thông qua VDS và các nhà đầu tư tự trao đổi mua bán, không giao dịch trên sàn HSX hoặc HNX. Loại trái phiếu này thường do các công ty nhỏ lẻ phát hành, không tuân thủ các thủ tục hành chính theo quy định, không được kiểm chứng và không có sự đảm bảo nên độ rủi ro cao.

– Trái phiếu đảm bảo: Là trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba, hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán.

– Trái phiếu không có đảm bảo: Là trái phiếu không có tài sản đảm bảo hay không có bên thứ 3 bảo lãnh mà phụ thuộc vào uy tín của bên phát hành.

Có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hay không?

tim-hieu-ve-trai-phieu-doanh-nghiep

Có thể nói, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu điểm như:

– Lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm và cao hơn lãi suất của trái phiếu chính phủ.

– Độ an toàn cao hơn so với đầu tư cổ phiếu và một số sản phẩm tài chính khác (như tiền ảo, ngoại hối…).

– Ngân sách đầu tư không quá lớn như đầu tư vàng hay bất động sản. Khá phù hợp với cả các nhà đầu tư cá nhân.

– Lợi tức nhà đầu tư thu được từ trái phiếu là cố định, không phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tức là bất kể công ty kinh doanh lời hay lỗ thì vẫn phải thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư với mức lãi suất cam kết.

– Trường hợp doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước các cổ đông của công ty.

Tất nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro mà bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài: Những rủi ro của trái phiếu mà nhà đầu tư cần thuộc nằm lòng.

Nói tóm lại, khi tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp, bạn cần tập trung vào những thông tin quan trọng, nhất là về loại hình trái phiếu và lãi suất, cách giao dịch, thanh toán… Từ đó, đánh giá được ưu điểm, hạn chế, nhìn thấy những cơ hội cũng như rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy mới có thể đưa ra quyết định đầu tư hay không và đầu tư như thế nào.

Một lưu ý cuối cùng cho các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư mới), là khi chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thì nên tìm đến các công ty môi giới chứng khoán uy tín để được tư vấn, hỗ trợ. Một số công ty (như Tân Việt) còn có chính sách mua lại trái phiếu, đảm bảo tính thanh khoản, giúp nhà đầu tư yên tâm về khả năng thu hồi vốn.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho những ai đang quan tâm tới thị trường trái phiếu. Chúc các bạn thành công./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.