Tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu doanh nghiệp

Nắm được các tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu doanh nghiệp nào đó có tiềm năng hay không là yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh đầu tư tài chính “hút khách” nhất hiện nay. Có khá nhiều bài phân tích về ưu điểm, nhược điểm của trái phiếu doanh nghiệp, nhưng lại rất ít thông tin về tiêu chuẩn định giá, đánh giá tiềm năng cũng như mức độ rủi ro của trái phiếu. Trong khi những thông tin này là hết sức cần thiết cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua trái phiếu nào đảm bảo hiệu quả và an toàn. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến chủ đề này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua nội dung dưới đây nhé.

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá trái phiếu doanh nghiệp

tieu-chuan-danh-gia-trai-phieu-doanh-nghiẹp

Giá trái phiếu doanh nghiệp rất khó xác định chính xác và cũng không có quy chuẩn chung. Thông thường, giá trái phiếu trong lần đầu phát hành được quyết định dựa trên giá trị sổ sách, hay còn gọi là giá trị kế toán. Sau đó, giá trái phiếu sẽ thay đổi theo quan hệ cung cầu trên thị trường (thị giá) và theo giá trị kinh tế (do các nhà đầu tư đánh giá dựa trên các điều kiện cụ thể về sự phát triển doanh nghiệp phát hành, mức độ rủi ro của trái phiếu…).

Trên thị trường, giá trái phiếu doanh nghiệp có thể biến động. Nếu biến động theo chiều hướng tăng (so với thời điểm phát hành lần đầu) thì gọi là trái phiếu cao cấp. Ngược lại, nếu biến động theo chiều hướng giảm thì gọi là trái phiếu chiết khấu.

Giá trái phiếu chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, có một số yếu tố quan trọng nhất như: Xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp phát hành, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành và sự biến động của lãi suất. Cụ thể:

– Trái phiếu có thể bị giảm giá trị nếu xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp phát hành bị tụt giảm.

– Giá trái phiếu có thể bị đẩy xuống thấp khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành sa sút, khiến việc thanh toán lãi suất và nợ gốc gặp khó khăn.

– Giá trái phiếu có quan hệ tỉ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu có xu hướng giảm và ngược lại.

Đâu là tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu doanh nghiệp?

Trái phiếu chủ yếu được đánh giá dựa trên chất lượng tín dụng của doanh nghiệp phát hành. Bên phát hành có chất lượng tín dụng càng cao thì lãi suất phải trả càng thấp. Ngược lại, chất lượng tín dụng càng thấp thì doanh nghiệp phát hành càng phải trả lãi cao để thu hút nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm.

Dựa trên đánh giá xếp hạng tín dụng, có thể phân trái phiếu thành các cấp độ khác nhau. Bao gồm: Trái phiếu cấp độ đầu tư (trái phiếu xếp hạng Aaa hoặc AAA đến xếp hạng Baa3 hoặc BBB) và trái phiếu rác (lợi suất cao).

1. Trái phiếu cấp độ đầu tư

Đây là nhóm trái phiếu có chất lượng tín dụng tốt, thường do các doanh nghiệp đầu ngành phát hành. Nhóm trái phiếu này có lãi suất không quá cao, nhưng mang rủi ro vỡ nợ thấp. Nhóm trái phiếu này phù hợp với những nhà đầu tư thích sự an toàn và mong muốn nguồn thu nhập ổn định, ít biến động.

2. Trái phiếu lợi suất cao

Đây là nhóm trái phiếu ở dưới cấp độ đầu tư (còn gọi là trái phiếu rác). Đặc trưng của nhóm này là lãi suất hấp dẫn và mức độ rủi ro cũng rất cao. Nói một cách dễ hiểu thì là trái phiếu được phát hành bởi những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới, có xếp hạng tín dụng thấp, khó đảm bảo khả năng chi trả.

Nhóm trái phiếu này phù hợp cho những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, đặt mục tiêu lớn về mức tăng trưởng thu nhập.

Nhìn chung, việc định giá hay đánh giá trái phiếu doanh nghiệp chỉ mang tính tương đối. Nhà đầu tư cần xem xét dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để phân tích và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp nhất với bản thân./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.