Cảnh báo những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh cơ hội sinh lời ổn định thì những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề quan trọng mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.

Khái quát về trái phiếu doanh nghiệp

tim-hieu-ve-trai-phieu-doanh-nghiep

Trái phiếu là một trong những sản phẩm tài chính thu hút nhiều sự quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau. Trong đó, nếu phân theo chủ thể phát hành thì trái phiếu doanh nghiệp đang nhận được dòng tiền lớn và tăng trưởng ổn định hơn cả.

Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán nợ, do các doanh nghiệp phát hành, nhằm huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khác với cổ phiếu, cả công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có thể phát hành trái phiếu.

Về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp chính là một khoản vay nợ, mà doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi định kỳ và hoàn vốn cho người nắm giữ trái phiếu theo đúng thỏa thuận ban đầu.

Ưu điểm của trái phiếu doanh nghiệp là lãi suất ổn định, thường cao hơn tiền gửi ngân hàng; không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu hay khả năng nắm bắt thị trường, phát đoán xu hướng nhanh nhạy như đầu tư cổ phiếu, tiền ảo… Đồng thời cũng không đòi hỏi số vốn quá lớn như bất động sản – một kênh đầu tư truyền thống cũng rất được quan tâm. Đặc biệt, do nó là một khoản vay, nên dù công ty phát hành làm ăn hiệu quả hay thua lỗ thì về lý thuyết, các trái chủ vẫn được đảm bảo quyền lợi.

Những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp mà nhà đầu tư cần cảnh giác

1. Rủi ro tín dụng (vỡ nợ)

Như đã nói ở trên, về lý thuyết thì dù kết quả hoạt động ra sao, doanh nghiệp phát hành vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lãi và hoàn vốn cho nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu. Các trái chủ cũng được ưu tiên thanh toán trước, sau đó mới tới cổ đông và đội ngũ sáng lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết và không phải lúc nào cũng như vậy. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp tài chính yếu kém, đưa ra lãi suất siêu cao nhằm thu hút nhà đầu tư, nhưng lại không có căn cứ đảm bảo khả năng chi trả. Khi những doanh nghiệp này phá sản, vỡ nợ, thì nguy cơ nhà đầu tư mất tiền là rất lớn.

rui-ro-cua-trai-phieu-doanh-nghiep

2. Rủi ro lạm phát

Lạm phát cũng là một trong những rủi ro phổ biến, là mối lo hàng đầu của các nhà đầu tư tài chính nói chung và trái phiếu nói riêng. Ưu điểm của trái phiếu là lãi suất ổn định suốt kỳ hạn, không chịu nhiều tác động của thị trường lên xuống.

Nhưng chính sự ổn định này sẽ là nhược điểm, nếu tỷ lệ lạm phát quá cao. Điều này sẽ làm giảm lợi suất của nhà đầu tư, thậm chí có khả năng lợi suất bằng âm nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn mức lãi suất.

Theo các chuyên gia thì trái phiếu dài hạn sẽ có nguy cơ gặp rủi ro lạm phát lớn hơn so với trái phiếu ngắn hạn.

3. Rủi ro thanh khoản

Đây là rủi ro liên quan tới nhu cầu của thị trường. Theo đó, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi muốn bán trái phiếu mà không tìm được người có nhu cầu mua.

Nguyên nhân thường do lãi suất trong một đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đó thấp, khiến giá cả bị tác động và có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận tổng của trái chủ.

Trên đây chỉ là 3 rủi ro chính của trái phiếu doanh nghiệp mà nhà đầu tư dễ gặp phải. Ngoài ra, còn có rủi ro lãi suất, rủi ro tái đầu tư, rủi ro lừa đảo…

Nhìn chung, các rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn là rủi ro từ chính chủ thể phát hành. Tức là những doanh nghiệp tài chính không vững, không có tài sản đảm bảo, đội ngũ sáng lập không uy tín… thì sẽ kéo theo những rủi ro về lãi suất, thanh khoản và tín dụng.

Vì thế, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp tiềm năng. Tốt nhất, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên thông qua các công ty môi giới chứng khoán uy tín, để được chuyên gia hỗ trợ, sẽ giúp bạn đầu tư an toàn hơn./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.