Những rủi ro của trái phiếu mà nhà đầu tư cần thuộc nằm lòng
Trái phiếu là một kênh “kiếm tiền online” tuyệt vời, giúp bạn tăng thu nhập thu động. Tuy nhiên, trước khi tham gia vào sân chơi này, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về trái phiếu và đặc biệt là phải nắm chắc những rủi ro của trái phiếu, từ đó có hướng đầu tư an toàn, hiệu quả hơn.
1. Rủi ro tái đầu tư
Các nhà đầu tư trái phiếu đều có thể phải đối mặt với nguy cơ phải tái đầu tư tiền thu được ở mức lợi suất thấp hơn lợi suất của các khoản tiền kiếm được trước đây. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “rủi ro tái đầu tư trái phiếu”.
Rủi ro này phát sinh nguyên nhân chính là do lãi suất giảm theo thời gian và callable bond (trái phiếu có thể thu hồi) được bên phát hành mua lại.
Callable bond là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước thời gian đáo hạn (theo thỏa thuận đã ký kết). Kết quả lại khoản thanh toán gốc cho người sở hữu trái phiếu có giá trị cao hơn một chút so với mệnh giá, nhưng lợi suất không được như mong muốn đầu tư.
2. Rủi ro lãi suất
Mối quan hệ giữa trái phiếu và lãi suất là sự nghịch đảo. Theo đó, giá trái phiếu trên thị trường sẽ có xu hướng tăng lên khi lãi suất giảm. Ngược lại, giá trái phiếu có xu hướng giảm khi lãi suất thị trường tăng. Điều này dựa trên quy luật cung – cầu của thị trường.
Trường hợp nhà đầu tư bán một trái phiếu trước ngày đáo hạn thì khi lãi suất thị trường tăng, nhà đầu tư sẽ lỗ vốn. Có nghĩa là bán trái phiếu thấp hơn giá mua vào.
Đây là rủi ro khá phổ biến, khiến nhiều nhà đầu tư “nếm trái đắng” nếu thiếu sự nhạy bén với thị trường.
3. Rủi ro lạm phát
Nhà đầu tư trái phiếu chắc chắn sẽ nhận được một mức lợi suất (cố định hoặc biến đổi tùy loại trái phiếu) trong thời gian nắm giữ (với Callable bond) hoặc trong thời hạn của trái phiếu.
Tuy nhiên, nếu lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ của lợi suất đầu tư thì có thể dẫn tới mức lợi suất âm.
Ví dụ: Một nhà đầu tư sở hữu trái phiếu với mức lợi suất 3%. Nhưng sau khi mua trái phiếu thì lạm phát tăng lên đến 4%. Lúc này, sức mua giảm và lợi suất thực tế của nhà đầu tư chỉ còn là -1%.
4. Rủi ro tín dụng (vỡ nợ)

Trái phiếu thực tế chỉ là một tờ giấy chứng nhận nợ, ghi nhận trách nhiệm của bên phát hành là hoàn trả cả gốc và lời cho người sở hữu trái phiếu (trái chủ) theo mức lãi suất và kỳ hạn nhất định. Về bản chất thì tổ chức phát hành là “người đi vay” và trái chủ là “chủ nợ”.
Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư (tức chủ nợ) hoàn toàn có thể bị “xù nợ” nếu tổ chức phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán.
Rủi ro này có thể hạn chế bằng cách lựa chọn những trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức uy tín, có chỉ số tăng trưởng ổn định, có tiềm năng phát triển và báo cáo tài chính minh bạch, “sạch sẽ”. Trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có bảo lãnh của ngân hàng… cũng là sự lựa chọn phù hợp cho người theo xu hướng đầu tư an toàn.
5. Rủi ro thanh khoản
Với trái phiếu chính phủ, việc giao dịch bán ra rất dễ dàng vì thị trường luôn có nhu cầu. Nhưng trái phiếu doanh nghiệp thì không như vậy.
Theo đó, nhà đầu tư có thể gặp phải rủi ro trái phiếu không thể bán ra hoặc bán chậm do thị trường quá nhỏ, ít người có nhu cầu giao dịch trái phiếu đó. Điều này có nghĩa là tổng lợi nhuận của trái chủ khi bán ra sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi bạn có thể buộc phải bán trái phiếu với một mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Trên đây là 5 rủi ro của trái phiếu thường gặp nhất. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, đánh giá đúng khả năng chịu rủi ro của mình để có thể đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất./.