Cách phân loại trái phiếu và những loại trái phiếu nên đầu tư
Trái phiếu là một kênh đầu tư đang nhận được nhiều sự quan tâm. Người ta phân loại trái phiếu theo các tiêu chí khác nhau và mỗi loại trái phiếu sẽ có những đặc trưng cũng như ưu – nhược điểm riêng.
Khái niệm trái phiếu
Trái phiếu là một loại chứng khoán ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu (trái chủ) với mức lãi suất và kỳ hạn tương ứng với từng loại trái phiếu.
Việc phát hành trái phiếu nhằm huy động nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động của tổ chức phát hành. Đối với nhà đầu tư thì trái phiếu là kênh sinh lời hiệu quả, ít rủi ro.
Cách phân loại trái phiếu
Trái phiếu được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí. Mỗi loại trái phiếu sẽ có những đặc trưng riêng. Đồng thời cũng mang theo cơ hội và rủi ro ở mức độ khác nhau.
1. Phân loại trái phiếu theo tổ chức phát hành
Căn cứ theo tiêu chí này, chúng ta sẽ có trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng.
– Trái phiếu Chính phủ: Do Kho bạc Nhà nước phát hành, nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân để phục vụ cho các hoạt động xây dựng, kiến thiết đất nước, bù đắp thâm hụt ngân sách. Đây được xem là trái phiếu ít rủi ro nhất, do có sự đảm bảo của Chính phủ và tiền chi trả cho nhà đầu tư sẽ được trích từ ngân sách quốc gia.
– Trái phiếu doanh nghiệp: Là trái phiếu do các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH phát hành nhằm huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là loại trái phiếu thu hút nhiều nhà đầu tư nhất nhờ lãi suất hấp dẫn và độ an toàn tương đối cao so với một số sản phẩm chứng khoán khác.
– Trái phiếu ngân hàng và các tổ chức tài chính: Là trái phiếu do ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính, tín dụng phát hành nhằm tăng vốn hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người xếp loại trái phiếu này ở chung nhóm với trái phiếu doanh nghiệp.
2. Phân loại trái phiếu theo hình thức
Căn cứ theo tiêu chí này, chúng ta sẽ có hai loại, gồm trái phiếu ghi danh và trái phiếu vô dành.
– Trái phiếu ghi danh là trái phiếu có ghi thông tin của người sở hữu trái phiếu trên sổ của bên phát hành và trên chứng chỉ.
– Trái phiếu vô danh là trái phiếu không ghi rõ danh tính của trái chủ. Khi đến kỳ hạn thanh toán, người giữ trái phiếu chỉ cần xuất trình chứng chỉ để nhận lãi và vốn.
3. Phân loại theo tính chất trái phiếu
Theo tiêu chí này, chúng ta sẽ có các loại sau:
– Trái phiếu chuyển đổi: Là trái phiếu mà người sở hữu có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) chuyển đổi thành cổ phần của công ty. Các điều khoản cụ thể về tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ cổ phần và thời hạn… sẽ được quy định cụ thể khi mua trái phiếu.
– Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Là trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ được quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu của công ty.
– Trái phiếu có thể mua lại: Là loại trái phiếu cho phép doanh nghiệp phát hành có quyền mua lại trái phiếu (một phần hoặc toàn bộ) trước khi đáo hạn.
4. Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán của bên phát hành
– Trái phiếu đảm bảo: Là trái phiếu có tài sản đảm bảo (bằng hàng hóa, bất động sản và các tài sản có giá trị quy đổi thành tiền khác) hoặc có bảo lãnh của bên thứ ba.
– Trái phiếu không đảm bảo: Là trái phiếu không có tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào uy tín của tổ chức phát hành, niềm tin của nhà đầu tư.
5. Phân loại trái phiếu theo lợi tức
Căn cứ theo lợi tức, chúng ta sẽ có 3 loại chính, gồm:
– Trái phiếu lãi suất cố định: Là trái phiếu mà mức lãi suất được ấn định suốt kỳ hạn, không thay đổi bất kể biến động của thị trường hay hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.
– Trái phiếu lãi suất thả nổi: Là trái phiếu mà lãi suất sẽ có sự thay đổi lên xuống tùy từng thời điểm, căn cứ vào xu hướng thị trường.
– Trái phiếu không lãi suất: Là trái phiếu không có lãi suất, thay vào đó, nhà đầu tư sẽ được mua vào với giá thấp hơn mệnh giá niêm yết. Hiểu đơn giản là được chiết khấu trực tiếp trên giá bán trái phiếu. Ví dụ, mệnh giá trái phiếu là 100.000đ/trái phiếu, nhưng nhà đầu tư chỉ phải trả 80.000đ/trái phiếu.
Nên đầu tư vào những loại trái phiếu nào?
Mỗi loại trái phiếu đều sẽ có những ưu điểm, hạn chế, nhưng cơ hội và mối nguy riêng. Tùy vào nhu cầu, mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, khả năng tài chính… mà nhà đầu tư đưa ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì những người mới tham gia vào thị trường chứng khoán và chưa có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc, nên tham khảo các loại trái phiếu dưới đây:
– Trái phiếu chính phủ: Tuy lãi suất không quá hấp dẫn, nhưng độ rủi ro gần như không có. Nhất là khi tình hình chính trị ở Việt Nam rất ổn định. Ngoài mục đích đầu tư thì mua trái phiếu chính phủ cũng có thể xem như một hình thức đóng góp xây dựng đất nước.
– Trái phiếu đảm bảo: Những trái phiếu mà bên phát hành có tài sản thế chấp hoặc có sự bảo lãnh của bên thứ ba uy tín thì rủi ro thanh khoản sẽ thấp hơn. Nó cũng là một căn cứ đánh giá tiềm lực, khả năng phát triển của doanh nghiệp thay vì chỉ đặt niềm tin một cách mơ hồ.
– Trái phiếu lãi suất cố định: Với loại trái phiếu này, bạn sẽ tính toán được một cách rõ ràng lợi suất thu được và không cần lo lắng quá nhiều tới sự thay đổi lên xuống của thị trường.
Nói tóm lại, đối với nhà đầu tư mới thì bên cạnh hiệu quả, cần phải chú trọng đến tính an toàn. Không nên quá mạo hiểm khi chưa thật sự hiểu về cuộc chơi. Tốt nhất, hãy liên hệ với những công ty môi giới uy tín để được hỗ trợ lựa chọn trái phiếu phù hợp./.