Phân bổ tài sản đầu tư hợp lý để cân bằng rủi ro và lợi nhuận
Một chiến lược phân bổ tài sản đầu tư hợp lý là chìa khóa giúp đảm bảo sự cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.
Tại sao cần lên chiến lược phân bổ tài sản đầu tư?
Đầu tư là một phương án lý tưởng giúp tạo nguồn thu nhập thụ động cho bạn, bên cạnh thu nhập chủ động từ lương, thưởng hoặc kinh doanh. Tuy nhiên, song song với cơ hội tăng thu nhập thì việc đầu tư cũng tiềm ẩn rủi ro ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc lên chiến lược phân bổ tài sản đầu tư hợp lý là cần thiết để đảm bảo sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.
Nói một cách đơn giản thì phân bổ tài sản trong đầu tư là thiết lập tỉ trọng phân bổ tài sản cho từng sản phẩm trong danh mục đầu tư chung. Không có công thức chung cho mọi chiến lược phân bổ tài sản, mà nó cần được xác định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, phù hợp với từng nhà đầu tư riêng biệt.
Các tiêu chí phân bổ tài sản đầu tư quan trọng
1. Căn cứ theo độ tuổi của nhà đầu tư
Các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính đều chia sẻ rằng việc thiết lập tỉ trọng phân bổ tài sản có mối quan hệ mật thiết với độ tuổi của nhà đầu tư.
Theo đó, khi còn trẻ, nghĩa là bạn có nhiều nguồn lực (về thời gian, sức khỏe…) để tạo dựng lại sự nghiệp, bù đắp nguồn tiền bị thâm hụt trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Vì vậy, bạn có thể thử thách phân bổ tỷ trọng tài sản lớn hơn vào những sản phẩm mạo hiểm cao nhưng có khả năng đột biến (như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cổ phiếu…) hoặc đòi hỏi nhiều thời gian để gia tăng giá trị (như bất động sản, vàng…).
Mặt khác, khi đã lớn tuổi thì quỹ thời gian, sức khỏe và trí não của bạn sẽ bị hạn chế, nên khó có thể phục hồi tài sản nếu gặp rủi ro. Vì vậy mà nên thiết lập tỷ trọng phân bổ tài sản lớn hơn cho những kênh đầu tư an toàn, ổn định, như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm…
2. Căn cứ theo khẩu vị rủi ro
Khẩu vị rủi ro là một khái niệm quen thuộc, dùng để chỉ mức độ sẵn sàng và khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.
Khẩu vị rủi ro chủ yếu được đánh giá dựa trên nguồn lực tài chính và tâm lý của nhà đầu tư. Nói một cách dễ hiểu thì bạn cần xác định khoản tiền mà trong trường hợp rủi ro mất đi cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của bản thân hoặc trở thành gánh nặng cho gia đình.
Rất nhiều người đầu tư theo phong cách “liều mạng”, chi ra khoản tiền vượt quá khả năng bù đắp của bản thân. Dẫn tới khi thua lỗ, mất trắng thì rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Lời khuyên của chuyên gia dành cho bạn là nên xem xét cả tiêu chí trên, kết hợp với việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, tiềm năng của mỗi kênh đầu tư, để từ đó có thể xác lập một tỷ trọng phân bổ tài sản hợp lý nhất.
Chúc các bạn thành công./.