Mua trái phiếu doanh nghiệp - Cơ hội và rủi ro
Mua trái phiếu doanh nghiệp là một trong những giải pháp gia tăng thu nhập hiệu quả, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn thì vẫn luôn tồn tại những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần nắm rõ trước khi xuống tiền.
Thời gian qua, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thu nhập của đại đa số người dân cũng bị suy giảm. Thậm chí nhiều người mất việc, nguồn thu chính bị tạm ngưng, gây nên vô vàn khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Trong bối cảnh đó, việc tìm đến các kênh tạo thu nhập thụ động được cho là một giải pháp đáng tham khảo. Thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, cũng vì thế mà trở nên vô cùng sôi động trong hai năm trở lại đây.
Cơ hội của trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu là một loại chứng nhận nợ, xác định nghĩa vụ trả nợ (bao gồm lãi suất định kỳ và toàn bộ vốn khi đáo hạn) của bên phát hành đối với người sở hữu trái phiếu. Khác với cổ phiếu, các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hay chính quyền đều có thể phát hành trái phiếu.
Đối với doanh nghiệp, trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả nhanh chóng, giúp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không bị mất cổ phần. Đối với nhà đầu tư, trái phiếu mang lại một nguồn thu nhập thụ động ổn định và tương đối cao. Tất nhiên là với điều kiện nhà đầu tư phải lựa chọn đúng trái phiếu tốt.
Có một số lý do chính khiến trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tham gia như:
– Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp thường cao hơn trái phiếu chính phủ, cao hơn lãi gửi tiết kiệm.
– Độ an toàn của trái phiếu DN cao hơn so với cổ phiếu, tiền ảo, forex… hay một số sản phẩm tài chính khác.
– Trái phiếu không đòi hỏi nguồn vốn quá lớn như đầu tư bất động sản, vàng…
– Trái phiếu có mức lãi suất cố định sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn, không cần phải theo sát diễn biến thị trường hàng ngày, hàng giờ như chơi cổ phiếu.
– Trái phiếu tốt có tính thanh khoản rất cao, nhà đầu tư có thể linh hoạt chuyển nhượng hay rút vốn trước kỳ hạn. Một số công ty môi giới còn có chính sách mua lại trái phiếu, giúp đảm bảo an toàn vốn cho nhà đầu tư.
– Nhà đầu tư trái phiếu có thể thu được hiệu quả từ kênh này ngay cả khi không quá hiểu biết về tài chính, kinh tế, chứng khoán.
Rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp
Ở bất kỳ lĩnh vực nào thì cơ hội và rủi ro luôn song hành cùng nhau. Trái phiếu doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Theo đó, có 5 rủi ro chính mà nhà đầu tư trái phiếu dễ gặp phải, gồm rủi ro lãi suất, rủi ro lạm phát, rủi ro tái đầu tư, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng.
– Rủi ro lãi suất hình thành từ sự mối quan hệ nghịch đảo giữa lãi suất và giá trái phiếu. Khi lãi suất thị trường giảm, giá trái phiếu có xu hướng tăng và ngược lại.
– Rủi ro lạm phát là rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. Nó xảy ra khi tốc độ lạm phát nhanh hơn tốc độ của lợi suất đầu tư. Trái phiếu kỳ hạn càng dài thì nguy cơ ảnh hưởng bởi lạm phát càng cao.
– Rủi ro tái đầu tư phát sinh nguyên nhân chính là do lãi suất giảm theo thời gian và callable bond (trái phiếu có thể thu hồi) được bên phát hành mua lại. Các nhà đầu tư trái phiếu đều có thể phải đối mặt với nguy cơ phải tái đầu tư tiền thu được ở mức lợi suất thấp hơn lợi suất của các khoản tiền kiếm được trước đây.
– Rủi ro thanh khoản là rủi ro mà nhà đầu tư không thể bán trái phiếu (hoặc bán chậm) do thị trường giảm nhu cầu đối với trái phiếu đó. Đôi khi, nhà đầu tư buộc phải bán trái phiếu với một mức giá thấp hơn dự kiến, làm giảm tổng lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn.
– Rủi ro tín dụng nói dễ hiểu thì chính là nguy cơ trái chủ bị “xù nợ”. Nó xảy ra khi bên phát hành mất khả năng chi trả. Hoặc cũng có không ít trường hợp chủ doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư, sau đó ôm tiền bỏ chạy.
Làm thế nào để tối ưu hiệu quả và giảm rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp?
Những ưu điểm của trái phiếu doanh nghiệp là điều đã quá rõ ràng. Không chỉ là kênh đầu tư an toàn, giúp nhà đầu tư bù đắp thâm hụt thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, mà còn là nguồn thu nhập thụ động hiệu quả về lâu dài. Song chúng ta cũng không thể phủ định hay triệt tiêu hoàn toàn rủi ro của trái phiếu. Nếu lựa chọn sai lầm, bạn có thể trả giá đắt. Nhẹ thì lợi nhuận thấp hơn mong muốn, nghiêm trọng hơn thì có thể mất trắng khoản tiền đã đầu tư.
Muốn tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu nguy cơ rủi ro của trái phiếu thì nhà đầu tư cần chú ý một số vấn đề sau:
– Nên lựa chọn trái phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, có các chỉ số tăng trưởng ổn định, doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lâu dài.
– Nên mua trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh của bên thứ ba.
– Nên lựa chọn trái phiếu niêm yết thay vì giao dịch trên thị trường OTC.
– Nên mua trái phiếu của các doanh nghiệp có ban quản trị uy tín, có danh tiếng tốt trên thương trường sẽ an toàn hơn.
– Tìm hiểu kỹ thông tin, xem xét khả năng chi trả của doanh nghiệp phát hành, không chạy theo lãi suất khủng và tránh đầu tư cảm tính theo số đông.
– Nếu chưa có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc những công ty môi giới chứng khoán uy tín để được tư vấn lựa chọn trái phiếu tốt.
Trên đây là một số thông tin về cơ hội và rủi ro của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong việc đưa ra quyết định đầu tư nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả./.