Mua trái phiếu có an toàn không và nên mua trái phiếu nào?
Mua trái phiếu có an toàn không và nên lựa chọn loại trái phiếu nào trong số rất nhiều loại trái phiếu đang có trên thị trường để đạt được hiệu quả đầu tư tối ưu? Cùng khám phá câu trả lời qua nội dung dưới đây nhé.
Mua trái phiếu có an toàn không?
Trái phiếu là một trong những kênh đầu tư tài chính hấp dẫn nhất và ngày càng thu hút đông đảo lượng nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt là từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân có xu hướng tìm kiếm một kênh thu nhập thụ động, nhằm dự phòng và bù đắp sự thâm hụt do nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng.
Trái phiếu thực chất chính là một chứng nhận nợ, xác định một khoản vay của tổ chức phát hành cùng các nghĩa vụ kèm theo đối với người sở hữu trái phiếu. Đối với tổ chức phát hành thì trái phiếu là kênh huy động vốn nhanh chóng, hiệu quả. Trong khi với nhà đầu tư thì đây được đánh giá là kênh đầu tư hiệu quả với mức độ rủi ro tương đối thấp.
Trước hết, tính an toàn của trái phiếu được xác lập dựa trên bản chất của loại chứng khoán nợ này. Theo đó, do trái phiếu là một khoản vay nên cho dù bên phát hành hoạt động hiệu quả hay thua lỗ thì vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ trả lãi suất và hoàn vốn cho trái chủ. Điều này giúp giảm bớt nỗi lo về biến động thị trường.
Mặc dù vậy, trái phiếu tuy an toàn nhưng cũng không phải là tuyệt đối không có rủi ro. Nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với những rủi ro nhất định như lạm phát, mất giá, hoặc nghiêm trọng nhất là bên phát hành vỡ nợ, mất khả năng chi trả. Nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn trái phiếu, nhằm đảm bảo hiệu quả sinh lời tốt nhất với độ an toàn cao nhất có thể.
Nên mua trái phiếu nào?
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân theo từng tiêu chí riêng biệt.
– Phân theo chủ thể phát hành: Ta có trái phiếu chính phủ, trái phiếu Chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, ngân hàng và các tổ chức tài chính).
– Phân theo phương thức đảm bảo: Gồm trái phiếu không có tài sản đảm bảo và trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc có bên thứ 3 bảo lãnh.
– Phân theo các điều kiện kèm theo: Gồm trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần, trái phiếu có thể thu hồi.
– Phân theo lợi tức trái phiếu: Gồm trái phiếu lãi suất cố định, trái phiếu lãi suất thả nổi, trái phiếu không lãi suất (còn gọi là trái phiếu chiết khấu).
Ngoài ra, còn có một số loại trái phiếu phổ biến khác, như trái phiếu vô danh, trái phiếu ghi danh, trái phiếu niêm yết, trái phiếu OTC…
Mỗi loại trái phiếu sẽ có ưu điểm, hạn chế riêng. Nhìn chung thì lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Lời khuyên cho những người mới tham gia vào lĩnh vực này, chưa có nhiều kinh nghiệm hay sự am hiểu về tài chính, chứng khoán, là nên ưu tiên loại trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bên thứ ba bảo lãnh thanh toán, chọn trái phiếu ghi danh để được bảo vệ về pháp lý thay vì giao dịch trên thị trường OTC. Đặc biệt là không ham chạy theo lãi suất cao bất thường. Bởi thông thường, những doanh nghiệp uy tín và năng lực tài chính thấp mới phải đưa ra lãi suất cao để kích thích “lòng tham” của nhà đầu tư.
Cuối cùng, hãy cân nhắc liên hệ với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của những công ty môi giới chứng khoán uy tín để được tư vấn, hỗ trợ lựa chọn trái phiếu tiềm năng, giảm bớt nguy cơ rủi ro có thể gặp phải nhé./.