Nên mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp?
Mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp là thắc mắc chung của rất nhiều nhà đầu tư, nhất là những người đang làm quen với lĩnh vực chứng khoán.
Trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có gì khác nhau?
Trái phiếu là một kênh đầu tư tài chính vừa hiệu quả, vừa an toàn. Theo các chuyên gia nhận định, sức hấp dẫn của trái phiếu nằm ở mức lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, trong khi độ rủi ro lại thấp hơn cổ phiếu. Vì thế, những người muốn tạo thu nhập thụ động từ nguồn tiền nhàn rỗi, nhưng không quá hiểu biết về tài chính – kinh tế, thường có xu hướng lựa chọn đầu tư trái phiếu.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân theo từng tiêu chí riêng. Phổ biến nhất là cách phân loại dựa trên tổ chức phát hành. Như vậy, chúng ta sẽ có hai loại là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
1. Điểm giống nhau của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp
Trước hết, đây đều là loại chứng khoán ghi nhận một khoản vay mà tổ chức phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu (gọi là trái chủ) theo mức lãi suất và kỳ hạn cam kết.
Thứ hai, trái chủ định kỳ được nhận tiền lãi hoặc thanh toán toàn bộ khi đáo hạn với mức cố định, không chịu ảnh hưởng bởi kết quả hoạt động của tổ chức phát hành. Điều này có nghĩa là khi tổ chức phát hành hoạt động kém hiệu quả, không có lợi nhuận… vẫn phải thanh toán đầy đủ cho trái chủ.
Thứ ba, việc giao dịch mua bán trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
2. Điểm khác nhau của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp
– Về tổ chức phát hành:
Trái phiếu chính phủ do Bộ Tài Chính phát hành nhằm huy động vốn phục vụ cho công trình, dự án phát triển đất nước. Chính phủ có nghĩa vụ “trả nợ” cho người sở hữu trái phiếu bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước.
Trái phiếu doanh nghiệp do các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các ngân hàng thương mại phát hành. Mục đích là huy động vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán lãi và gốc (khi đáo hạn) cho trái chủ bằng ngân sách của doanh nghiệp.
– Về lãi suất:
Lãi suất của trái phiếu chính phủ cố định, được tính toán dựa trên nhiều yếu tố để đảm bảo không thâm hụt ngân sách quốc gia nhưng vẫn hấp dẫn được nhà đầu tư. Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định, tùy vào nhu cầu huy động vốn và khả năng thanh toán.
Thực tế, lãi suất của trái phiếu chính phủ khá thấp so với lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp.
– Về tính thanh khoản:
Tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ có thể nói là gần như tuyệt đối, bởi Chính phủ là tổ chức phát hành và chịu trách nhiệm “trả nợ”. Trường hợp rủi ro mất trắng chỉ có thể xảy ra khi Nhà nước sụp đổ. Mà điều này là không thể, khi đất nước đang ổn định, phát triển như hiện nay.
Mặt khác, tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp cao hay thấp phụ thuộc vào uy tín, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Nhìn chung là bạn cần lựa chọn đúng trái phiếu tốt thì mới đạt được hiệu quả đầu tư tốt.
Nên mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp?
Như đã phân tích ở trên, trái phiếu của chính phủ hay của doanh nghiệp đều của những ưu điểm và hạn chế riêng. Có thể tóm gọn lại là trái phiếu chính phủ ít rủi ro hơn trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thu nhập có thể mang lại đương nhiên cũng sẽ thấp hơn.
Đối với những người mong muốn sự an toàn, ổn định và muốn đóng góp một phần nào đó cho các dự án công để xây dựng đất nước thì nên mua trái phiếu chính phủ. Ngược lại, những nhà đầu tư muốn có thu nhập cao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì nên hướng tới trái phiếu doanh nghiệp.
Hãy cân nhắc thật kỹ dựa trên khả năng tài chính và thu nhập mục tiêu của bản thân để lựa chọn sản phẩm phù hợp với chính mình nhé. Chúc các bạn thành công!