Bí quyết giảm thiểu rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp cũng giống như các sản phẩm tài chính – chứng khoán khác, đều là kênh đầu tư có rủi ro. Do vậy, việc làm thế nào để giảm thiểu rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, nhằm bảo toàn vốn và sinh lời hiệu quả là vấn đề mà mọi nhà đầu tư đều quan tâm.
Một số rủi ro thường gặp trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
1. Rủi ro tín dụng
Đây là nguy cơ lớn nhất và phổ biến nhất mà mọi nhà đầu tư đều cần chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt khi tham gia thị trường trái phiếu. Hiểu một cách đơn giản thì đây là rủi ro xảy ra khi doanh nghiệp phát hành gặp vấn đề về tài chính, không đảm bảo khả năng chi trả cho trái chủ. Bao gồm trả chậm, trả thiếu hoặc nghiêm trọng hơn là vỡ nợ, không thể thanh toán.
2. Rủi ro lãi suất
Khi lãi suất thị trường tăng, giá trái phiếu thường có xu hướng giảm. Điều này có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi suất của nhà đầu tư. Thông thường, trái phiếu kỳ hạn càng dài thì nguy cơ rủi ro lãi suất sẽ càng cao.
3. Rủi ro lạm phát
Về lý thuyết, lãi suất của trái phiếu là cố định. Vì vậy mà thu nhập từ trái phiếu được đánh giá cao bởi tính ổn định. Tuy nhiên, nếu lạm phát ở mức cao thì giá trị lưu lượng tiền mặt của một trái phiếu có thể thay đổi.
Chẳng hạn như trái phiếu có lãi suất 9%/năm, nhưng tỷ lệ lạm phát lại ở mức 10%/năm thì thực tế thu nhập của trái chủ đã bị ảnh hưởng.
4. Rủi ro thanh khoản
Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải tình trạng không thể bán được trái phiếu của mình, hoặc rất khó khăn mới bán được, do nhu cầu thị trường của trái phiếu đó quá thấp, ít người muốn mua bán.
Lãi suất thấp trong một đợt phát hành trái phiếu có thể dẫn đến sự biến động giá cả và tác động tiêu cực tới lợi nhuận tổng của trái chủ nếu phải bán ra với mức giá thấp hơn dự kiến.
Giải pháp giảm thiểu rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp
Cơ hội và rủi ro luôn song hành với nhau. Dù trái phiếu được đánh giá là kênh đầu tư an toàn cao, thì nhà đầu tư vẫn phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những nguy cơ luôn tiềm ẩn và hiện hữu.
Mặc dù không thể hoàn toàn loại trừ mọi nguy cơ, nhưng một nền tảng kiến thức vững chắc, sự thận trọng khi ra quyết định và một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp một cách hiệu quả.
1. Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Nguyên tắc chung của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp là “không bỏ hết trứng vào một rổ”. Để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, nhà đầu tư không nền dồn hết vốn liếng vào một trái phiếu duy nhất. Thay vào đó, hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư ở phạm vi từ nhỏ tới lớn.
Nghĩa là nên mua nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp khác nhau, đồng thời đầu tư thêm các kênh khác như cổ phiếu, vàng, bất động sản… Nếu bên này xuống thì sẽ có bên kia lên, giúp hạn chế được nguy cơ “mất trắng.
2. Chọn trái phiếu của doanh nghiệp xếp hạng tín dụng cao
Những doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng cao sẽ giúp hạn chế nguy cơ rủi ro vỡ nợ. Xếp hạng tín dụng này có thể tham khảo đánh giá của các cơ quan, tổ chức chuyên xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tự phân tích, đánh giá, dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong một vài năm trở lại đây. Nên ưu tiên trái phiếu của doanh nghiệp có tài chính rõ ràng, tiềm lực mạnh, tốc độ tăng trưởng ổn định và giải quyết nợ một cách uy tín.
3. Cân nhắc thời hạn trái phiếu
Những trái phiếu kỳ hạn càng dài thì rủi ro lãi suất và lạm phát càng lớn. Vì thế, nếu muốn an toàn, giảm thiểu nguy cơ này, thì nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu ngắn hạn hoặc trung hạn.
4. Lựa chọn trái phiếu lãi suất phù hợp
Lãi suất trái phiếu không có mức tiêu chuẩn chung, mà phụ thuộc vào doanh nghiệp phát hành. Thông thường, những doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ hay tiềm lực hạn chế, sẽ có xu hướng đưa ra mức lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư. Đây còn gọi là “trái phiếu rác”.
“Trái phiếu rác” có thể mang lại một khoản thu nhập hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực lớn. Nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất phù hợp, không quá cao so với thị trường. Đồng thời cần xem xét nhiều tiêu chí khác dựa trên đánh giá cụ thể về chính doanh nghiệp đó, để đảm bảo an toàn cao hơn.
Nếu lựa chọn trái phiếu rác, hãy chắc chắn rằng bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.
5. Mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty môi giới chứng khoán
Rủi ro thanh khoản là một nguy cơ luôn thường trực ở thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Để giảm thiểu rủi ro thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp thì giải pháp tốt nhất chính là mua trái phiếu thông qua một công ty môi giới uy tín, thay vì tự giao dịch riêng lẻ. Một số công ty môi giới chứng khoán có chính sách cam kết mua lại trái phiếu. Điều này sẽ giúp đảm bảo khả năng thanh khoản, giúp đảm bảo tính linh hoạt về dòng tiền cho nhà đầu tư.
Trên đây là một số thông tin về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp và cách hạn chế những rủi ro đó. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình ra quyết định đầu tư. Chúc các bạn thành công./.