Chuyện gì xảy ra khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản?
Bên cạnh cơ hội sinh lời thì trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, trong đó có rủi ro vỡ nợ. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản và nhà đầu tư cần làm gì để hạn chế rủi ro đó?
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để làm gì?
Với nhà đầu tư, trái phiếu là kênh tạo thu nhập thụ động ổn định và độ an toàn khá cao. Ở góc độ doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn nhanh chóng, hiệu quả.
Khi doanh nghiệp cần vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh… nhưng không muốn mất cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu… thì phát hành trái phiếu là một trong những sự lựa chọn tối ưu.
Hiểu đơn giản thì đây chính là một hình thức đi vay tiền và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trái chủ là quan hệ người đi vay – chủ nợ. Doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu tiền lãi định kỳ và hoàn vốn khi đáo hạn.
Chuyện gì xảy ra khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản
Một trong những lý do chính khiến trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư chính là lợi suất ổn định và cố định. Nhà đầu tư sẽ thu được một khoản tiền lãi cố định, không chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường hay hiệu quả hoạt động của bên phát hành. Nói một cách dễ hiểu thì dù bên phát hành thua lỗ vẫn sẽ phải trả lãi đầy đủ và đúng kỳ hạn cho trái chủ.
Về mặt lý thuyết, trong trường hợp doanh nghiệp phát hành bị vỡ nợ, giải thể, ngưng hoạt động… thì nhà đầu tư sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông và ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy.
Các điều khoản của trái phiếu xác định vị trí của chủ sở hữu trái phiếu, hoặc mức độ ưu tiên của yêu cầu bồi thường. Mức độ ưu tiên sẽ dựa trên việc trái phiếu đó là trái phiếu có bảo đảm, trái phiếu không có bảo đảm cao cấp hay trái phiếu không có bảo đảm cơ sở.
1. Trường hợp trái phiếu có bảo đảm
Trái phiếu có đảm bảo là loại trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành phải dùng tài sản của công ty để thế chấp. Thông thường là bất động sản, các tài sản vật chất khác, hoặc cũng có thể là dùng chính sản phẩm hay cổ phiếu của công ty.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành phá sản, những tài sản này sẽ được thu hồi, thanh lý để dùng tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì sẽ không còn giá trị khi công ty phá sản.
2. Trường hợp trái phiếu không đảm bảo
Đây là loại trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành không có tài sản cầm cố (còn gọi là trái khoán), thường đưa ra mức lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư.
Trái khoán có thể được phân loại là cao cấp hoặc cấp cơ sở. Trái chủ sở hữu trái khoán cao cấp sẽ được ưu tiên thanh toán trước trái chủ sở hữu trái khoán cơ sở nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.
Mặc dù về mặt lý thuyết, trái chủ sẽ được ưu tiên chi trả trước, nhưng thực tế thì trái chủ không phải là chủ nợ duy nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có thể nợ khách hàng, ngân hàng, nợ chế độ lương hưu… Một số chủ nợ khác cũng có yêu cầu bằng hoặc cao hơn trái chủ. Bên cạnh đó, còn có trường hợp tài sản của doanh nghiệp không đủ để trả cho tất cả trái chủ. Như vậy, sẽ có trái chủ được chi trả và có trái chủ không được chi trả.
Nhà đầu tư cần làm gì để hạn chế rủi ro doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản?
Cơ hội luôn song hành với rủi ro. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong bất cứ lĩnh vực nào và với trái phiếu cũng không ngoại lệ. Nhà đầu tư tham gia mua bán cần hiểu rõ quy luật này và cân nhắc lựa chọn tùy theo khả năng tài chính, “khẩu vị rủi ro” của bản thân.
Sẽ không có giải pháp nào giúp triệt tiêu hoàn toàn các nguy cơ, mà chỉ có thể hạn chế phần nào thông qua việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và lựa chọn những trái phiếu có độ an toàn cao hơn.
Theo đó, có thể xem xét dựa trên một số tiêu chí sau:
– Xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
– Vị trí của doanh nghiệp trong ngành.
– Diễn biến tài chính của doanh nghiệp trong vài năm trở lại. Đặc biệt chú ý tới các chỉ số doanh thu, tăng trưởng, nợ xấu…
– Uy tín của ban lãnh đạo, những người sáng lập doanh nghiệp.
– Tiềm năng phát triển của ngành mà doanh nghiệp đó hoạt động.
Ngoài ra, những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, chưa có nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực tài chính – chứng khoán, thì không nên tự giao dịch, mà nên thông qua các công ty môi giới chứng khoán uy tín để đảm bảo an toàn./.