Đầu tư trái phiếu ngân hàng có thật sự an toàn?

Đầu tư trái phiếu ngân hàng được nhiều người đánh giá là hiệu quả và độ an toàn cao. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu và mức độ an toàn như thế nào thì vẫn là một vấn đề quan trọng mà nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi “xuống tiền”.

Sơ lược về trái phiếu ngân hàng

co-nen-mua-trai-phieu-ngan-hang

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế, tác động trực tiếp tới công việc và thu nhập của người dân. Trong bối cảnh đó, bắt buộc mỗi người phải tìm cho mình một “lối thoát”, đặc biệt là tìm kiếm nguồn thu khác bù đắp vào sự sụt giảm của nguồn thu nhập chính. Trái phiếu chính là một trong những kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn nhất.

Trên thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau. Nếu căn cứ theo tiêu chí tổ chức phát hành thì chúng ta có 3 loại chính, gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng.

Trái phiếu ngân hàng hiểu đơn giản là trái phiếu do các ngân hàng, tổ chức tín dụng phát hành nhằm huy động tiền của các tổ chức, cá nhân với mức lãi suất được xác định trước. Đây là loại chứng nhận nợ, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng phát hành đối với những người sở hữu trái phiếu.

Đối với ngân hàng, trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả cao trong thời gian ngắn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn hơn tiền gửi tiết kiệm. Đối Với nhà đầu tư, đây là kênh sinh lời hiệu quả và an toàn nhờ uy tín của tổ chức phát hành.

Những ngân hàng nào tại Việt Nam đã phát hành trái phiếu?

Tại thị trường Việt Nam, ngân hàng là nhóm tổ chức phát hành trái phiếu lớn thứ hai chỉ sau nhóm bất động sản. Tổng giá trị phát hành trái phiếu của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Hiện rất nhiều ngân hàng đã phát hành trái phiếu, trong đó có thể kể tới các ngân hàng nổi bật như:

– Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

– Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

– Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

– Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

– Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

– Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

– Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB).

– Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

– Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB).

– Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

– Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPB)…

Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành nhiều trái phiếu nhất, với tổng giá trị 15,2 nghìn tỷ đồng. Tiếp theo sau là HDBank với tổng giá trị trái phiếu phát hành 8.500 tỷ đồng và VPBank với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đầu tư trái phiếu ngân hàng có thật sự an toàn?

dau-tu-trai-phieu-ngan-hang

Trái phiếu ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư bởi lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm và độ an toàn cũng rất cao. Thậm chí, nhiều người tin rằng trái phiếu ngân hàng an toàn tuyệt đối, không có rủi ro như cổ phiếu hay trái phiếu của các loại hình doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, mọi kênh đầu tư đều có ưu điểm và hạn chế, cơ hội luôn song hành cùng nguy cơ. Trái phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Trước hết, về ưu điểm thì ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp hoạt động có điều kiện, được giám sát bởi chính phủ, phải đáp ứng và tuân theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Do đó, nhà đầu tư gần như không cần lo lắng về khả năng chi trả của bên phát hành. Bên cạnh đó, cùng một ngân hàng, nhưng lãi suất của trái phiếu thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, giúp nhà đầu tư nâng cao thu nhập của mình.

Tuy nhiên, khi đầu tư trái phiếu ngân hàng, nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn như:

– Ngân hàng phá sản: Mặc dù khả năng này rất thấp và tại Việt Nam, quyền lợi của người dân được đặt lên hàng đầu nên Chính Phủ thường sẽ có giải pháp “cứu ngân hàng”, nhưng không có nghĩa là nó chắc chắn không xảy ra. Cách tốt nhất để hạn chế chính là mua trái phiếu của ngân hàng lớn, có bề dày lịch sử và hiệu quả hoạt động tốt.

– Rủi ro lãi suất: Mối quan hệ giữa lãi suất và giá trái phiếu trên thị trường chứng khoán có sự đảo nghịch. Khi lãi suất giảm, giá trái phiếu thường có xu hướng tăng lên và ngược lại, giá trái phiếu có xu hướng giảm khi lãi suất tăng. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng tới lợi suất của nhà đầu tư.

– Rủi ro lạm phát: Mức lãi suất cố định suốt kỳ hạn là một ưu điểm, giúp nhà đầu tư tính toán chính xác thu nhập và không lo lắng về biến động thị trường. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo đó rủi ro lạm phát, nhất là với trái phiếu dài hạn.

Ngoài ra, trái phiếu ngân hàng là một sản phẩm mà không phải mọi nhà đầu tư cá nhân đều có thể tiếp cận được. Một số ngân hàng lớn thậm chí chỉ phát hành trái phiếu cho các quỹ hoặc nhà đầu tư lớn.

Nói tóm lại, đầu tư trái phiếu ngân hàng là một phương án không tồi, giúp nhà đầu tư kiếm lời với mức rủi ro tương đối thấp. Nhưng nó không phải là kênh an toàn tuyệt đối và lợi nhuận cũng bị hạn chế hơn so với cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp khác.

Tùy thuộc vào mục tiêu, sở thích, khẩu vị đầu tư… mà mỗi người tự đưa ra quyết định có nên “xuống tiền” vào trái phiếu ngân hàng hay không nhé./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.