Đầu tư trái phiếu cần chuẩn bị những gì?
Muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn đều cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Và đầu tư trái phiếu cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Đầu tư trái phiếu là một sự lựa chọn không tồi để “giải phóng” nguồn tiền nhàn rỗi. Đặc biệt là trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 như hiện nay. Tuy nhiên, trái phiếu mang tới nhiều lợi ích, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Muốn thành công trên sân chơi này, bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Vậy cụ thể, cần chuẩn bị những gì để đầu tư trái phiếu hiệu quả?
1. Chuẩn bị tiền
Tất nhiên rồi, muốn đầu tư tài chính thì điều đầu tiên và cơ bản nhất mà bạn cần chuẩn bị chính là tiền. Với trái phiếu, bạn cần có một khoản tích lũy khá khá. Thông thường, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ có mức tối thiểu 100 triệu đồng.
Do đó, hãy cố gắng quản lý tài chính cá nhân thật tốt để tích lũy nguồn vốn. Trong quá trình tích lũy tài sản, bạn có thể tranh thủ thời gian để tìm hiểu thật kỹ về lĩnh vực này và chuẩn bị về các khía cạnh khác.
2. Chuẩn bị kiến thức
Trái phiếu không quá phức tạp hay đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu như cổ phiếu. Nhưng muốn thành công, thu được lợi suất cao và ổn định thì bạn không thể chỉ trông chờ vào vận may.
Nhất định phải chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức vững vàng. Ít nhất là hiểu được trái phiếu là gì; Ưu điểm, rủi ro của trái phiếu; các loại trái phiếu có thể giao dịch; cách giao dịch trái phiếu; cách phân tích thị trường, đánh giá tổ chức phát hành, giá trị và tính thanh khoản của trái phiếu…
Những vấn đề này nghe qua thì có vẻ phức tạp, khó hiểu, nhưng thực tế không hề khó nắm bắt, nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu.
Kiến thức càng vững, bạn càng dễ dàng đưa ra sự lựa chọn đúng đắn. Mục tiêu chính là lợi suất cao nhất và độ rủi ro thấp nhất.
3. Chuẩn bị kế hoạch đầu tư trái phiếu chi tiết
Để đạt được hiệu quả tối ưu, bạn chắc chắn cần phải lập kế hoạch đầu tư chi tiết và bài bản. Kế hoạch này bao gồm một số vấn đề sau:
– Đặt mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
– Phân bổ nguồn tiền cho từng hạng mục đầu tư tùy ngân sách của mình.
– Xác định những trái phiếu tiềm năng.
– Phương án xử lý trong trường hợp “có biến”.
Một kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết và khoa học sẽ giúp bạn đầu tư thuận lợi hơn, hạn chế tối đã rủi ro không đáng có.
4. Chuẩn bị về tâm lý
Đây là một vấn đề khá quan trọng mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý. Nhiều người mua trái phiếu vì chạy theo xu hướng, vì nghe người này, người kia lôi kéo, “mách nước”, trong khi chưa thật sự hiểu rõ về trái phiếu.
Nhà đầu tư cần hiểu rằng, trái phiếu dù được đánh giá cao về độ an toàn, nhưng vẫn không loại trừ rủi ro. Nhẹ thì lợi suất không như kỳ vọng, nghiêm trọng hơn có thể là “mất trắng” khoản tiền đã tích lũy bao năm.
Do vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ những rủi ro có thể gặp phải, chuẩn bị sẵn tâm lý trong tình huống không như ý. Nếu bạn chưa sẵn sàng đối mặt với nguy cơ thì đó chưa phải lúc bạn nên đầu tư trái phiếu.
Lời khuyên cuối cùng dành cho các nhà đầu tư mới, chính là nên liên hệ với những chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu để có được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất nhé./.