Bí quyết đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư là độ an toàn cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trái phiếu hoàn toàn không có rủi ro. Vậy làm thế nào để đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu một cách chính xác để ra quyết định đầu tư hợp lý? Cùng tìm lời giải qua nội dung dưới đây nhé.
Trái phiếu có những rủi ro nào?
Trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả đối với các tổ chức nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp. Đồng thời cũng là kênh thu nhập thụ động hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời như lãi suất ổn định, có pháp luật bảo vệ quyền lợi, không chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường hay hiệu quả hoạt động của bên phát hành… thì người sở hữu trái phiếu cũng phải đối mặt với một số nguy cơ rủi ro nhất định.
Điển hình có thể kể tới một số rủi ro sau:
– Rủi ro lãi suất
– Rủi ro lạm phát
– Rủi ro tái đầu tư
– Rủi ro vỡ nợ
Nội dung chi tiết xem tại bài viết: Những rủi ro của trái phiếu mà nhà đầu tư cần thuộc nằm lòng
Đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu
Mỗi trái phiếu sẽ có những đặc trưng, cơ hội và nguy cơ khác nhau. Rất khó để đánh giá chính xác mức độ rủi ro của trái phiếu, nhất là với nhà đầu tư cá nhân. Song vẫn có thể phần nào nhận diện được tiềm năng cũng như nguy cơ rủi ro của trái phiếu thông qua một số tiêu chí cụ thể.
1. Đánh giá theo tổ chức phát hành
Nguy cơ lớn nhất mà nhà đầu tư phải đối mặt khi mua trái phiếu chính là rủi ro vỡ nợ. Hiểu đơn giản là trường hợp chủ thể phát hành trái phiếu bị mất khả năng thanh toán. Do vậy, điều đầu tiên cần chú ý khi lựa chọn trái phiếu chính là xem xét uy tín, năng lực tài chính của tổ chức phát hành.
Theo đó, trái phiếu của chính phủ, chính quyền địa phương được đánh giá cao nhất về độ an toàn. Bởi tiền chi trả lãi suất và hoàn vốn cho nhà đầu tư được trích từ ngân sách nhà nước. Và ở một quốc gia có nền chính trị ổn định như Việt Nam thì chuyện mất khả năng thanh toán trái phiếu của chính phủ, cơ quan nhà nước là điều gần như không thể.
Tiếp theo trái phiếu ngân hàng. Tại nước ta, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe và chịu sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Do đó, nguy cơ vỡ nợ của ngân hàng cũng cực kỳ thấp. Trường hợp ngân hàng phá sản thì thông thường, chính phủ cũng sẽ có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, xếp hạng tín dụng cao, minh bạch tài chính và dẫn đầu ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Tránh những doanh nghiệp liên tục huy động vốn mà không có phương án kinh doanh, phát triển rõ ràng. Bởi rất có thể, những doanh nghiệp đó đang gặp rắc rối về tài chính và buộc phát hành trái phiếu thường xuyên nhằm lấy của người sau trả cho người trước.
2. Đánh giá theo kỳ hạn trái phiếu
Ngoài vỡ nợ thì lạm phát cũng là một rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Khi tỷ lệ lạm phát cao thì lợi suất đầu tư sẽ giảm xuống, ảnh hưởng tới thu nhập cuối cùng của nhà đầu tư.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trái phiếu kỳ hạn càng dài thì nguy cơ lạm phát càng cao. Nhà đầu tư cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đầu tư vào những trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm đến 10 năm trở lên nếu lo ngại tình trạng “tiền mất giá”. Ngược lại, trái phiếu ngắn hạn và trung hạn sẽ an toàn và đảm bảo tính linh hoạt về dòng tiền hơn.
3. Đánh giá theo tính chất trái phiếu
Trước hết là về tính chính danh của trái phiếu thì trái phiếu ghi danh sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn so với trái phiếu vô danh. Vì trái phiếu ghi danh nghĩa là quyền lợi sẽ gắn liền với tên tuổi của người mua trái phiếu, được pháp luật bảo vệ trong trường hợp làm mất hoặc bị trộm, cắp. Trong khi với trái phiếu vô danh thì ai cầm trái phiếu sẽ được hưởng quyền lợi.
Thứ hai, những trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc được ngân hàng, tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh thanh toán sẽ an toàn hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành bị phá sản thì tài sản cầm cố sẽ được xử lý để thanh toán cho trái chủ. Hoặc bên trung gian bảo lãnh thanh toán sẽ thay doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư.
4. Đánh giá theo lãi suất trái phiếu
Tất cả các nhà đầu tư khi mua trái phiếu đều mong muốn hướng tới thu nhập càng cao càng tốt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư thì có một nguyên tắc bất di bất dịch là “cơ hội càng lớn, rủi ro càng cao”. Theo đó, trái phiếu lãi suất cao vượt trội so với thị trường có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn phía sau.
Hiểu đơn giản thì những doanh nghiệp xếp hạng tín dụng tốt, hiệu quả hoạt động tốt và tăng trưởng ổn định sẽ không cần phải đưa ra mức lãi suất cao. Chỉ cần tương đương hoặc nhỉnh hơn lãi gửi tiết kiệm ngân hàng là đủ để hấp dẫn nhà đầu tư. Ngược lại, những doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất siêu cao phần nào cho thấy họ đang rất “khát vốn” và nó phản ánh nguy cơ rủi ro vỡ nợ lớn hơn.
Trên đây là một số tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu mà bạn có thể tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư. Tất nhiên, mọi thứ chỉ mang tính tương đối và bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn để đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất với mức độ rủi ro thấp nhất nhé./.