Kinh nghiệm đầu tư trái phiếu ít rủi ro cho người mới bắt đầu

Những kinh nghiệm đầu tư trái phiếu được chia sẻ trong bài viết này chắc chắn sẽ giúp bạn tránh được không ít rủi ro trong giai đoạn mới làm quen với thị trường.

kinh-nghiem-dau-tu-trai-phieu-it-rui-ro

Tổng quan về trái phiếu

Trái phiếu là một loại chứng khoán ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của bên phát hành đối với bên sở hữu trái phiếu (gọi là trái chủ). Theo đó, bên phát hành là bên vay, có trách nghiệm trả một khoản lãi nhất định theo kỳ hạn cam kết và hoàn lại tiền gốc cho trái chủ khi đáo hạn.

Tùy theo tiêu chí phân loại mà chúng ta có các loại trái phiếu như:

– Trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng, trái phiếu xanh, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu lãi suất cố định, trái phiếu niêm yết, trái phiếu OTC, trái phiếu bảo đảm, trái phiếu không có tài sản bảo đảm…

Mỗi loại trái phiếu sẽ có đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung, tất cả đều là kênh huy động vốn hiệu quả cao cho bên phát hành và là kênh sinh hiệu quả cho phía nhà đầu tư.

Những rủi ro thường gặp của trái phiếu

Trái phiếu là mang lại cho nhà đầu tư một khoản lợi suất hấp dẫn, không chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường và cũng không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành. Chính vì thế mà nó mới thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, cơ hội và rủi ro luôn song hành cùng nhau, đó là quy luật bất biến của lĩnh vực đầu tư. Có thể kể tới một số rủi ro phổ biến nhất mà nhà đầu tư trái phiếu dễ gặp phải như:

– Rủi ro lãi suất: Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những trái phiếu có lãi suất cao hơn so với lãi suất hiện tại của thị trường, khiến giá trái phiếu tăng. Nếu lãi suất tăng lên sau khi đầu tư, nhà đầu tư sẽ mất chi phí cơ hội để có thể đầu tư ở mức lãi suất tốt hơn.

– Rủi ro lạm phát: Hiệu quả đầu tư sẽ bị giảm nếu tỷ lệ lạm phát quá cao. Ví dụ, nhà đầu tư mua trái phiếu lãi suất 8%/năm trong khi tỷ lệ lạm phát là 9%/năm, thì lợi suất thu về thực tế là -1%. Rủi ro này nguy cơ cao hơn đối với trái phiếu dài hạn.

– Rủi ro tín dụng: Về lý thuyết, bên phát hành có nghĩa vụ bắt buộc phải thanh toán nợ cho trái chủ. Nhưng thực tế thì có không ít trường hợp doanh nghiệp phát hành bị phá sản, mất khả năng thanh toán. Hậu quả nhẹ thì chậm thanh toán, thanh toán thiếu, nghiêm trọng hơn là hoàn toàn không thể chi trả cho trái chủ.

Ngoài ra, còn có một số rủi ro khác như rủi ro thanh khoản, rủi ro tái đầu tư… 

Kinh nghiệm đầu tư trái phiếu ít rủi ro cho người mới bắt đầu

Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt có thể giúp hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất và nâng hiệu quả đầu tư lên mức cao nhất. Nếu bạn đang quan tâm tới thị trường trái phiếu, có thể tham khảo một vài kinh nghiệm hữu ích dưới đây trước khi “xuống tiền” nhé.

1. Hãy xác định khẩu vị rủi ro trước khi đầu tư trái phiếu

kinh-nghiem-dau-tu-trai-phieu-it-rui-ro1

Bạn không thể triệt tiêu hoàn toàn rủi ro, nó là một phần tất yếu của mọi kênh đầu tư. Do đó, bước đầu tiên mà bạn cần làm chính là đánh giá khả năng chịu rủi ro của bản thân. Điều này có thể căn cứ vào nguồn tiền nhàn rỗi mà bạn đang có; mức thu nhập và mức chi tiêu của bạn; tỷ lệ cơ hội – rủi ro mong muốn…

Nói một cách dễ hiểu thì hãy xác định trong trường hợp thất bại, bạn sẵn sàng chấp nhận mất bao nhiêu tiền cho phi vụ đầu tư này? Lời khuyên là nên đặt con số phù hợp với năng lực kiếm tiền của bản thân. Tức là bạn có thể nhanh chóng tạo ra một khoản tương tự trong tương lai mà không để lại gánh nặng quá lớn cho gia đình và cho chính mình.

Khẩu vị rủi ro chính là yếu tố then chốt giúp bạn lên chiến lược đầu tư phù hợp.

2. Trang bị kiến thức

Nếu không có kiến thức mà chỉ “nhắm mắt đưa chân”, chạy theo thị trường hoặc nghe người này, người kia “mách nước”, thì bạn sẽ không còn là nhà đầu tư chứng khoán nữa, mà trở thành một hình thức đánh bạc. Tức là hoàn toàn trông đợi vào vận may.

Trái phiếu không đòi hỏi chuyên môn sâu hay nhiễu kỹ năng cao như cổ phiếu hoặc một số kênh đầu tư tài chính khác, nhưng bạn vẫn cần tìm hiểu và trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định.

Theo đó, ít nhất bạn cũng cần hiểu được khái niệm, cách phân loại trái phiếu, cơ hội – rủi ro của từng loại trái phiếu và cách thức giao dịch mua vào, bán ra. Đặc biệt là tìm hiểu cách phân tích, lựa chọn trái phiếu theo khẩu vị đầu tư của mình.

3. Kinh nghiệm đầu tư trái phiếu ít rủi ro nên ghi nhớ

Rủi ro luôn đi cùng cơ hội và trái phiếu cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đã đầu tư, bạn bắt buộc phải chấp nhận đối mặt với rủi ro, nhưng tỉ lệ rủi ro như thế nào mới là quan trọng. Với những người mới làm quen với thị trường trái phiếu, nên ưu tiên độ an toàn hơn là khả năng sinh lời.

Một số lưu ý nhỏ dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn trái phiếu vừa hiệu quả, vừa an toàn:

– Chọn trái phiếu có mức lãi suất trung bình so với thị trường và ngành hàng. Không nên chạy theo lãi suất cao bất thường, sẽ rất dễ gặp rủi ro tín dụng.

– Chọn trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh của bên thứ 3 sẽ giúp hạn chế rủi ro trong trường hợp bên phát hành mất khả năng thanh toán.

– Chọn trái phiếu niêm yết và giao dịch trên các sàn được cấp phép (thay vì trái phiếu OTC) sẽ bảo đảm an toàn về mặt pháp lý.

– Chọn trái phiếu ghi danh (thay vì trái phiếu vô danh) sẽ bảo vệ tài sản của bạn trong trường hợp rủi ro mất cắp.

– Chọn trái phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành và có ban lãnh đạo uy tín thì rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản sẽ thấp hơn.

– Đa dạng hóa danh mục đầu tư thay vì dồn toàn bộ tài sản vào một loại trái phiếu duy nhất sẽ giúp tối đa hóa thu nhập, hạn chế rủi ro mất tài sản trong trường hợp thị trường một ngành nào đó đi xuống.

– Đầu tư trái phiếu ngắn hạn hoặc trung hạn sẽ ít rủi ro lạm phát hơn trái phiếu dài hạn.

– Mua trái phiếu thông qua các công ty môi giới chứng khoán chuyên nghiệp để được các chuyên gia trong lĩnh vực này tư vấn, hỗ trợ đánh giá tiềm năng của trái phiếu, đồng thời cũng được hưởng chính sách mua lại, giúp nâng cao khả năng bảo toàn và thu hồi vốn.

Trên đây là một số kinh nghiệm đầu tư trái phiếu ít rủi ro nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sinh lời mà những nhà đầu tư mới nên tham khảo. Nhớ theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé. Chúc các bạn thành công./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.