Bật mí các kênh đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả

Các kênh đầu tư tài chính cá nhân nếu được tận dụng hiệu quả sẽ giúp nhà đầu tư thu về một khoản lợi nhuận hấp dẫn từ nguồn tiền nhàn rỗi.

Thận trọng khi lựa chọn kênh đầu tư tài chính cá nhân

cac-kenh-dau-tu-tai-chinh-ca-nhan1

Đầu tư tài chính cá nhân là một từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Điều này xuất phát từ nhu cầu cải thiện thu nhập và đa dạng hóa nguồn thu của người dân. Nhất là trong những thời điểm thị trường lao động việc làm hoặc nền kinh tế, xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, lúc nào nguồn thu nhập chính cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam hiện có rất nhiều kênh đầu tư tài chính đang hoạt động. Điều này là thuận lợi, giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Nhưng mặt khác, nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ bởi hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện và nhiều kênh tự phát, chưa có cơ chế bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư.

Có thể nói, đầu tư tài chính là một sân chơi mà cơ hội và rủi ro luôn song hành. Bên cạnh tiền và nền tảng kiến thức (từ cơ bản tới chuyên sâu), các bạn cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tối đa với mức độ rủi ro tối thiểu.

Các kênh đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả và an toàn nhất hiện nay

1. Gửi tiết kiệm ngân hàng

Đây là kênh đầu tư truyền thống, đã có từ lâu và được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Ưu điểm của kênh này là đơn giản, dễ thực hiện, có thể mở tài khoản tiết kiệm với số tiền chỉ từ vài triệu đồng. Đặc biệt là độ an toàn gần như tuyệt đối. Bởi ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Việc “vỡ nợ” đối với ngân hàng tại Việt Nam là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, lãi suất của tiền gửi tiết kiệm thường không cao. Tùy theo kỳ hạn và tùy ngân hàng mà mức lãi có thể dao động từ 3-7% trên năm. Ngoài ra, đối với gửi tiết kiệm có kỳ hạn, nếu bạn rút tiền trước kỳ đáo hạn thì sẽ không nhận được mức lãi như thỏa thuận mà chuyển thành mức lãi của tiền gửi không kỳ hạn (thường dưới 1% mỗi năm).

2. Đầu tư vàng

Đây cũng là một kênh đầu tư truyền thống và rất được ưa chuộng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Với hình thức này, nhà đầu tư sẽ mua vàng để tích trữ và bán ra khi giá vàng tăng, hoặc khi có nhu cầu tiền mặt. 

Ưu điểm của kênh này là dễ thực hiện. Ai cũng có thể ra tiệm vàng để mua với số lượng phù hợp với khả năng tài chính. Nhưng hạn chế là phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và có khả năng bị mất trộm, mất cắp, do đây là loại tài sản vật chất cần không gian lưu trữ. 

Thực tế thì chỉ có một số lượng nhỏ nhà đầu tư thu lợi từ chênh lệch giá mua vào, bán ra thông qua những biến động mạnh mẽ của thị trường vàng. Đa số xem đây như một hình thức tích lũy tài sản, dự phòng rủi ro.

3. Bất động sản

cac-kenh-dau-tu-tai-chinh-ca-nhan2

Đây có thể xem là kênh đầu tư có biên lợi nhuận hấp dẫn nhất. Đương nhiên, mức độ rủi ro cũng vô cùng cao và đòi hỏi nhà đầu tư phải có một nguồn vốn dồi dào.

Có khá nhiều hình thức đầu tư bất động sản, chẳng hạn như:

– Mua đất nền, tách lô và bán lại cho các nhà đầu tư khác hoặc những người có nhu cầu mua đất xây dựng nhà ở.

– Mua nhà, đất với giá thấp rồi cố gắng bán ra với giá cao hơn để ăn chênh lệch.

– Mua nhà cũ, sửa sang, trang trí lại để tạo giá trị gia tăng, sau đó bán lại với giá cao.

– Mua đất, mua nhà… để cho thuê nhà trọ, phòng trọ, cho thuê mặt bằng kinh doanh…

Đây là kênh đòi hỏi nhà đầu tư không chỉ có vốn lớn mà còn cần hiểu biết về đất đai, pháp lý, khả năng nắm bắt thị trường tốt…

4. Cổ phiếu

Cổ phiếu là kênh đầu tư tài chính cá nhân rất phổ biến tại các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì đây vẫn là một kênh khá mới với nhiều người, mặc dù đã hoạt động được 15 năm.

Ưu điểm của cổ phiếu là tính linh hoạt, dễ dàng giao dịch mua bán một cách nhanh chóng. Đồng thời, nhà đầu tư không cần vốn lớn mà có thể bắt đầu làm quen với cổ phiếu bằng số tiền chỉ từ 3-5 triệu đồng. Khả năng sinh lời của cổ phiếu rất cao, nếu nhà đầu tư nắm bắt được thời điểm mua vào – bán ra thích hợp và lựa chọn đúng cổ phiếu tiềm năng.

Tuy nhiên, cổ phiếu được xem là kênh đầu tư rủi ro cao, do chịu tác động mạnh mẽ của những biến động thị trường khó lường trước. Nhà đầu tư cổ phiếu muốn thu được hiệu quả và tránh rủi ro mất tài sản thì cần phải trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc, đầu tư một cách có chiến lược. Đồng thời cần theo dõi sát sao thị trường để có những điều chỉnh phù hợp.

5. Trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu cũng là một kênh thuộc thị trường chứng khoán. Năm 2021 đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hàng loạt công ty phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với các nhà đầu tư thì đây là hình thức đầu tư sinh lời hiệu quả và được đánh giá khá cao về độ an toàn.

Ưu điểm của trái phiếu là lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, an toàn hơn cổ phiếu và không đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Về nguyên tắc, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chi trả tiền lãi và hoàn vốn gốc khi đáo hạn cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu, bất kể kết quả kinh doanh có tốt hay không. Nói một cách dễ hiểu thì lợi suất mà trái chủ thu được là cố định, không chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường hoặc hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành.

Tất nhiên, đó là lý thuyết. Trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với rủi ro là doanh nghiệp phát hành mất khả năng chi trả. Do vậy, điều quan trọng là phải lựa chọn đúng trái phiếu của doanh nghiệp uy tín, có xếp hạng tín dụng cao nhằm bảo toàn vốn và khả năng sinh lời.

Trên đây là một số kênh đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả và đã được công nhận tại Việt Nam. Tùy vào nhu cầu, mục tiêu, khả năng tài chính cũng như khẩu vị rủi ro mà mỗi người tự lựa chọn cho mình một hoặc một số kênh phù hợp nhé./.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.