Những tổ chức nào được phát hành trái phiếu?
Việc phát hành trái phiếu là nhằm mục đích huy động vốn phục vụ cho các hoạt động của tổ chức. Vậy những tổ chức nào được quyền phát hành trái phiếu? Các quy định cụ thể là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khái niệm trái phiếu
Trái phiếu là loại chứng khoán ghi nợ, ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của bên phát hành đối với người sở hữu trái phiếu theo mức lãi suất nhất định trong khoảng thời gian nhất định được cam kết rõ ràng ở thời điểm bắt đầu giao dịch.
Tổ chức nào được phát hành trái phiếu?
Có rất nhiều loại trái phiếu khác nhau tùy theo tiêu chí phân loại. Trong đó, phổ biến nhất là cách phân loại theo tổ chức phát hành. Từ đó, chúng ta sẽ có 2 nhóm chính:
– Trái phiếu do chính quyền hoặc tổ chức thuộc chính quyền phát hành:
Gồm trái phiếu chính phủ (công trái), do chính phủ phát hành; trái phiếu kho bạc, do kho bạc Nhà nước phát hành và trái phiếu địa phương, do chính quyền các địa phương phát hành.
– Trái phiếu doanh nghiệp:
Gồm có trái phiếu do ngân hàng, các tổ chức tài chính phát hành và trái phiếu do các công ty TNHH, công ty cổ phần và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cần lưu ý doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và xổ số; doanh nghiệp nhà nước thì ngoài việc tuân thủ quy định về phát hành trái phiếu còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Quy định phát hành trái phiếu đối với từng tổ chức
1. Quy định phát hành trái phiếu chính phủ
Trái phiếu chính phủ do Chính phủ và các cơ quan được Chính phủ cấp quyền phát hành theo các quy định về quản lý nợ công quốc gia và Nghị định số 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ : Về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
Trái phiếu chính phủ được phát hành dựa theo các phương thức:
– Đấu thầu phát hành trái phiếu.
– Bảo lãnh phát hành trái phiếu.
– Đại lý phát hành trái phiếu tại Việt Nam; đầu tư trái phiếu chính phủ phải thông qua hình thức đầu tư gián tiếp tại các quỹ đầu tư.
2. Quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Trong đó có một số nội dung đáng chú ý:
– Kỳ hạn trái phiếu và khối lượng phát hành:
Do doanh nghiệp quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và khả năng huy động cũng như tình hình thị trường trong từng thời kỳ.
– Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu:
Sử dụng Đồng Việt Nam đối với trái phiếu phát hành trong nước. Với thị trường quốc tế thì thực hiện theo quy định của thị trường phát hành.
– Mệnh giá trái phiếu:
Mệnh giá 100.000đ hoặc bội số của 100.000đ đối với trái phiếu phát hành tại Việt Nam. Riêng trái phiếu phát hành ở thị trường quốc tế thì mệnh giá sẽ theo quy định của thị trường đó.
– Hình thức trái phiếu:
Phát hành dưới dạng chứng chỉ, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
– Lãi suất danh nghĩa trái phiếu:
Xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định áp dụng cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Đối với tổ chức tín dụng thì lãi suất trái phiếu còn phải tuân thủ theo quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Phương thức thanh toán gốc, lãi của trái phiếu:
Do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành. Phương thức thanh toán được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.
– Giao dịch trái phiếu:
Trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (không gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các trường hợp thừa kế hoặc có quyết định riêng của Tòa án).
Sau 1 năm, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về tổ chức phát hành trái phiếu và các quy định liên quan. Bạn có thể tìm văn bản gốc của Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và một số thông tư, hướng dẫn khác để tìm hiểu chi tiết hơn nhé./.